Sỏi thận có tự hết không?
Sỏi thận là bệnh lý thường gặp ở đường tiết niệu. Triệu chứng sỏi thận có thể gặp là đau lưng, đau vùng mạn sườn, tiểu rắt, tiểu són...
Việc sỏi thận có tự hết không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kích thước viên sỏi, vị trí… Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu của sỏi thận, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Những triệu chứng điển hình khi mắc sỏi thận
Dấu hiệu cảnh báo có thể gặp khi mắc sỏi thận tiết niệu là:
Đau lưng, đau vùng mạn sườn: sỏi làm tắc nghẽn đường tiểu
Đau khi đi tiểu: sỏi di chuyển trên đường từ niệu quản xuống bàng quang hoặc từ bàng quang xuống niệu đạo
Tiểu ra máu do sự cọ sát của sỏi trên đường di chuyển.
Tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu són
Cảm giác nôn, buồn nôn
Trong trường hợp có nhiễm khuẩn kèm theo bệnh nhân có thể sốt, cảm giác ớn lạnh.
Một số trường hợp sỏi nhỏ nằm ở vị trí không ảnh hưởng đến đường tiết niệu người bệnh có thể không có biểu hiện gì và chỉ phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe.
Nguyên nhân gây sỏi thận tiết niệu
Vì sao bị sỏi thận tiết niệu? Có nhiều nguyên nhân gây ra sỏi tiết niệu như:
Thói quen dùng thuốc không hợp lý trong đó có việc lạm dụng thuốc kháng sinh.
Chế độ ăn uống không hợp lý như thói quen ăn mặn, nhiều dầu mỡ.
Thói quen uống ít nước; lượng nước đưa vào cơ thể ít, thận không đủ lọc đào thải ra ngoài các khoáng chất tích tụ gây sỏi.
Thói quen nhịn tiểu khiến các khoáng chất không được đào thải thường xuyên tích tụ gây sỏi.
Chữa sỏi thận bằng cách nào?
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể như kích thước, vị trí, biến chứng… của sỏi thận tiết niệu, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị sỏi thận hiện nay là:
- Thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý.
- Trong trường hợp sỏi ảnh hưởng đến chức năng đường tiết niệu cần can thiệp có một số phương pháp chỉ định trong từng trường hợp cụ thể như: Tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi tán sỏi qua da, tán sỏi ngược dòng, phẫu thuật lấy sỏi…
Sỏi thận có nguy cơ tái phát không?
Quan niệm sỏi không tái phát là sai lầm. Theo thống kê có khoảng 50% sỏi tái phát sau điều trị. Tùy vào nguyên nhân gây sỏi tiết niệu, tần suất tái phát sẽ khác nhau. Do đó sau khi điều trị hết sỏi người bệnh vẫn phải giữ chế độ ăn uống sinh hoạt để tránh sỏi tái phát. Bên cạnh đó, người bệnh cần thăm, tái khám định kỳ.
Với người bệnh bị sỏi thận cần lưu ý một số điều sau trong quá trình sinh hoạt hàng ngày:
Uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày.
Ăn nhiều rau, hoa quả tăng cường chất xơ, vitamin.
Hạn chế đồ ăn nhiều muối, đường, dầu mỡ, đồ ăn nhiều đạm.
Không bổ sung quá nhiều calci (không quá 1-1.2g/ngày).
Chế độ vận động cần phù hợp với sức khỏe người bệnh. Người mắc sỏi thận không nên vận động quá nặng.
Có một số sai lầm khi điều trị sỏi thận tiết niệu gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Như việc tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc từ các thầy lang không qua bất kỳ xét nghiệm nào có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn thậm chí gây suy gan, suy thận...
Hiện nay nhiều thuốc được quảng cáo có thể làm tan/nhỏ sỏi tiết niệu: thuốc nam, thực phẩm chức năng. Khi lựa chọn sử dụng thuốc người bệnh nên đến cơ sở y tế khám và tư vấn từ bác sĩ. Các thuốc bệnh nhân sử dụng phải được Bộ Y tế cấp phép.
Người mắc bệnh thận có cần kiêng muối hoàn toàn?
Nhiều người cho rằng khi mắc các bệnh lý về thận cần cắt giảm hoàn toàn lượng muối trong khẩu phần ăn. Tuy nhiên, quan niệm này là sai lầm bởi muối đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì áp lực thẩm thấu, giữ cho cân bằng lượng nước bên trong, ngoài tế bào và trong lòng mạch máu.
Ngoài ra, muối còn có vai trò trong việc duy trì điện thế tế bào, dẫn truyền xung động thần kinh, đảm bảo thăng bằng kiềm toan. Bên cạnh đó, việc ăn quá nhạt cũng gây hại sức khỏe. Đối với những người ăn kiêng muối quá mức, lượng natri máu giảm nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, thậm chí có thể tử vong nếu lượng natri máu xuống quá thấp.
Natri máu giảm cũng làm cho nước tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ dẫn đến hiện tượng phù tay, chân hoặc nặng hơn: phù toàn thân. Hạ natri máu khiến hệ cơ bị suy giảm chức năng. Do đó, khi mắc các bệnh về thận người bệnh chỉ nên ăn giảm muối. Mức độ giảm muối tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/soi-than-co-tu-het-khong-169231107103946349.htm