Sớm ban hành chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Với việc tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,8% - năm thứ 2 liên tiếp không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, nhiều ĐBQH lo ngại sẽ không đạt được chỉ tiêu cả năm 2023 và các năm tiếp theo. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương ban hành 3 chiến lược, gồm: phát triển nguồn nhân lực, phát triển giáo dục và phát triển đội ngũ trí thức trong thời gian tới.
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm thứ 2 liên tiếp không đạt chỉ tiêu
Đa số ĐBQH cho rằng, trong bối cảnh rất khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, giúp kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh, đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, đã hoàn thành mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn 2/15 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,8% (kế hoạch là khoảng 5,5%) và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76% (kế hoạch đề ra là 25,5 - 25,8%).
Theo ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), với việc tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,8% là năm thứ 2 liên tiếp không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã xác định tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021 - 2025 bình quân đạt trên 6,5%/ năm.
Năng suất lao động là "chìa khóa" dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Nêu vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề này, và đề nghị, cần đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân, đề xuất các giải pháp riêng, nếu không sẽ khó đạt chỉ tiêu cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Cùng chung quan điểm, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu vấn đề, trong Nghị quyết số 68/2022/QH15 về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 nêu rõ, chỉ tiêu tăng năng suất lao động là cực kỳ quan trọng, giúp Việt Nam thoát "bẫy thu nhập trung bình". Bởi, chúng ta không thể tăng GDP liên tục với tốc độ cao mà chỉ dựa vào vốn và lao động giá rẻ như trước đây.
Do đó, để phát triển nguồn nhân lực - yếu tố quyết định đối với năng suất lao động, một số ĐBQH đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành 3 chiến lược, gồm: phát triển nguồn nhân lực, phát triển giáo dục và phát triển đội ngũ trí thức.
Giáo dục đại học cần gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Góp ý cho phát triển giáo dục, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) chỉ rõ, thực tế khảo sát tại một số trường đại học cho thấy, từ cơ chế tự chủ đã làm cho tính cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng gay gắt hơn. Do đó, các trường đại học sẽ chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, dẫn đến nguy cơ mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.
Do đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị, cần nhanh chóng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, và mạng lưới này phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của vùng kinh tế và các địa phương. Quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học cần phải dựa trên việc phân tầng các trường đại học, từ đó có chiến lược phát triển theo tầng đại học từ cao xuống thấp. Mỗi tầng đại học sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng và khai thác thị trường riêng, không có quy định chung đối với tất cả các trường đại học trong cả nước.
Đối với các trường đại học công lập, địa phương cần phân định rõ các chức năng cơ bản, nhiệm vụ cụ thể và sứ mệnh cốt lõi theo chiến lược phát triển địa phương; đào tạo theo địa chỉ của các bên có nhu cầu, không đặt nặng vấn đề tự chủ tài chính đối với các trường đại học này. Các trường đại học địa phương cần đánh giá lại thực trạng hiệu quả đào tạo trong thời gian qua; có thể không cần lấn sâu vào các chương trình đào tạo mang nặng tính lý luận mà nên xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo phù hợp. Để thực hiện được điều này cần có sự giao thoa giữa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề xuất.