Sớm có quy định về kiểm soát quyền lực

Cùng với việc khẩn trương xây dựng, ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực thì cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước.

Ngày 21-3, hội thảo do Ban chủ nhiệm đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam do Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ chủ trì diễn ra tại Hà Nội.

Mọi quyền lực phải được kiểm soát

Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, nguyên tắc giới hạn quyền lực hay kiểm soát quyền lực được Đại hội XI năm 2011, Cương lĩnh của Đảng nêu rõ: Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Từ đó, nguyên tắc kiểm soát quyền lực được ghi nhận rõ nét trong Hiến pháp 2013 và đến nay nhận thức về yêu cầu kiểm soát quyền lực đã có những bước phát triển dài.

Ông Nguyễn Cảnh Lam, Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương, dẫn Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng nhà nước pháp quyền mới ban hành hồi tháng 11-2022 cho thấy sự phát triển nhận thức về yêu cầu kiểm soát quyền lực.

Theo đó, Đảng nhấn mạnh: “Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý. Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức”.

Theo ông Lam, với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, quyền lực của Đảng là một bộ phận quan trọng của quyền lực chính trị. Vì vậy, kiểm soát quyền lực phải bắt đầu từ trong Đảng, từ việc thực thi quyền hạn, nhiệm vụ của các tổ chức Đảng và đảng viên. Chỉ khi họ thực sự trong sạch, vững mạnh, đảng viên giữ được vai trò nêu gương thì mới lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm soát có hiệu quả quyền lực của các thiết chế trong bộ máy nhà nước.

Kiểm soát để tránh tha hóa

Triển khai các giải pháp kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, Bộ Chính trị vừa qua đã giao một số cơ quan, trong đó có Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng đề án về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và thanh tra, kiểm toán.

Là người tham gia trực tiếp xây dựng đề án, ông Lê Nguyễn Nam Ninh, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gửi tới hội thảo một tham luận, trong đó có bình luận thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua cho thấy quyền lực càng cao, càng tuyệt đối thì sẽ càng dễ tha hóa, nếu hoạt động quyền lực ấy không được kiểm soát chặt chẽ.

Đại biểu đọc tham luận tại hội thảo. Ảnh: NN

Đại biểu đọc tham luận tại hội thảo. Ảnh: NN

Các biểu hiện tha hóa ấy là lạm quyền, lộng quyền, trục lợi từ quyền lực; tùy tiện, vô trách nhiệm, tiếm quyền, tham quyền cố vị; là quan liêu, độc đoán, chuyên quyền; và còn là sự phân tán quyền lực, rồi bất lực hoặc kiêu binh.

Trước Đại hội XIII, hồi tháng 9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là quy định riêng đầu tiên của trung ương về kiểm soát quyền lực trong một lĩnh vực cụ thể.

Thiết lập các cơ chế kiểm soát quyền lực

Nhận thức ấy càng được làm rõ hơn trong quá trình Trung ương khóa XIII nghiên cứu, đi đến ban hành Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Tiếp đến, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch 11 thực hiện Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương.

Trong Kế hoạch 11, cụm từ “kiểm soát quyền lực” được nhắc tới 11 lần.

Theo đó, Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội tham mưu Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Ấn định thời gian hoàn thành trong năm nay.

Ban cán sự đảng Chính phủ được giao chỉ đạo tham mưu quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, cũng phải hoàn thành trong năm nay.

Ban cán sự đảng Chính phủ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng một đề án khác, về hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền hành pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp. Nhiệm vụ này cần hoàn thành trong năm 2024.

Ban cán sự đảng TAND Tối cao được Bộ Chính trị giao chủ trì xây dựng đề án xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền tư pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền lập pháp (hoàn thành trước năm 2025).

Về phía các ban Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương được giao cho Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực để PCTNTC trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán. Còn Ban Nội chính Trung ương phải tham mưu cho Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Cả hai đề án này đã trình trong đó một đề án được Bộ Chính trị thông qua, sẽ ban hành quy định trong thời gian tới.

Ban Nội chính Trung ương được giao nghiên cứu, đề xuất việc thành lập thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, PCTNTC (hoàn thành trong năm 2025).

Hoàn thiện cơ chế nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam được Bộ Chính trị giao chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước.

Theo đó, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân theo quy định của hiến pháp và pháp luật; phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước.

Nhiệm vụ này của MTTQ được xác định là thực hiện thường xuyên.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/som-co-quy-dinh-ve-kiem-soat-quyen-luc-post724986.html