Sớm đưa khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên vào vận hành thí điểm

Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) là khu hợp tác xuyên biên giới, hai nước hai khu, với diện tích 400ha (phía Việt Nam 200ha, phía Trung Quốc 200ha). Thực hiện Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên, các cơ quan chức năng của hai bên đang tích cực hoàn thiện các nội dung để sớm đưa khu cảnh quan này vào vận hành thí điểm.

Toàn cảnh thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Ảnh: Tuấn Hùng

Toàn cảnh thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Ảnh: Tuấn Hùng

Khu du lịch thác Bản Giốc nằm tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, với nhiều danh lam thắng cảnh như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, văn hóa làng bản, non nước Cao Bằng.... Thác Bản Giốc được đánh giá là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, thác nước lớn thứ 4 thế giới nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia còn giữ được cảnh đẹp nguyên sơ và những giá trị địa chất, văn hóa bản địa cốt lõi và là thác nước nằm trong top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới.

Ngày 5/11/2015, tại Hà Nội, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã ký Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) (sau đây gọi tắt là Hiệp định). Theo đó, hai bên thống nhất thành lập Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên cùng bảo vệ, hợp tác khai thác có hiệu quả tài nguyên. Đây là mô hình hợp tác khai thác du lịch chưa có tiền lệ, được lãnh đạo cấp Trung ương, địa phương hai nước coi trọng.

Triển khai thực hiện Hiệp định, phục vụ cho du khách qua lại và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Ủy ban biên giới quốc gia khảo sát, xác định 54 điểm để làm rõ hơn đường biên giới trong khu cảnh quan, đồng thời, tiến hành các trình tự thủ tục báo cáo Chính phủ mở lối mở Bản Giốc - Đức Thiên, trên cơ sở đó tiến hành đấu nối giao thông và gắn vạch đánh dấu đường biên giới.

Trong những năm qua, hai bên đã đẩy mạnh triển khai xây dựng các công trình trong Khu cảnh quan Bản Giốc - Đức Thiên. Trong đó, phía Việt Nam đã xây dựng xong nhà trạm kiểm soát liên hợp lối mở biên giới Bản Giốc – Đức Thiên; hàng rào trên đường biên giới khu vực mốc 834/1-835; rải thảm mặt đường nhựa từ quốc lộ 4 vào lối mở Bản Giốc, khu vực bãi đỗ xe, đường dạo bộ. Trung Quốc đã xây dựng xong đường đi bộ trên núi (đối diện khu vực M834/1-836(2)); điểm ngắm cảnh trên cao (đối diện khu vực M834/1); hàng rào ngăn chặn tạm thời, chòi dừng chân ngắm cảnh (khu vực M836(1), 835); trung tâm thương mại phục vụ khách tham quan…

Để quản lý du khách trong khu cảnh quan, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành khảo sát, xác định phạm vi khu cảnh quan, trong đó, bố trí 3 bốt kiểm soát trên các đường giao thông đi vào khu cảnh quan. Xây dựng hệ thống hàng rào cứng kết hợp với hàng rào mềm là các camera giám sát và hệ thống biển báo trong khu cảnh quan. Tổ chức lực lượng thường trực kiểm tra, kiểm soát trong khu cảnh quan.

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng, cơ quan chức năng của hai bên đã thống nhất, đối với công dân Việt Nam khi ra vào khu cảnh quan cần sử dụng giấy tờ tùy thân và giấy tờ xuất nhập cảnh (hộ chiếu, giấy thông hành). Đối với công dân Trung Quốc, cần có hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới; hộ chiếu đặc khu Hồng Công; hộ chiếu đặc khu Ma Cao; giấy thông hành đi lại Đại Lục của công dân Đài Loan. Đối với người nước thứ 3, cần có hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng cũng đã xây dựng quy trình kiểm tra, kiểm soát đối với khách du lịch xuất, nhập cảnh qua lối mở trong khu cảnh quan. Theo đó, các đối tượng được phép xuất, nhập cảnh là khách du lịch Việt Nam, Trung Quốc và nước thứ 3 đi theo đoàn, có hướng dẫn viên, người phụ trách đi cùng, không thuộc danh sách đối tượng quản lý nghiệp vụ, chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng trong khu cảnh quan.

Thác Bản Giốc vẫn còn giữ được cảnh đẹp nguyên sơ và những giá trị địa chất. Ảnh: Tuấn Hùng

Thác Bản Giốc vẫn còn giữ được cảnh đẹp nguyên sơ và những giá trị địa chất. Ảnh: Tuấn Hùng

Được biết, trước khi hai bên tiến hành vận hành thí điểm khu cảnh quan, BĐBP Cao Bằng sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kiểm tra, kiểm soát, giám sát người, phương tiện ra vào khu cảnh quan, đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng cũng đề xuất Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh trang cấp các trang thiết bị, máy móc, phương tiện kỹ thuật thiết yếu tại lối mở Bản Giốc - Đức Thiên nhằm đảm bảo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào khu cảnh quan.

Để có sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, ngày 1/5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đã ký ban hành Quyết định số 477/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ủy ban điều phối cấp tỉnh thực hiện Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên) Việt Nam - Trung Quốc. Tại cuộc họp tổ chức ngày 4/5 liên quan đến các vấn đề đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên vào vận hành thí điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, đảm bảo các điều kiện đưa khu cảnh quan này vào vận hành thí điểm, dự kiến vào tháng 10/2023 theo phương án đã cơ bản được hai bên thống nhất từ năm 2019.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cũng yêu cầu tập trung xây dựng một số công trình và chỉnh trang Khu cảnh quan thác Bản Giốc gồm: Khu nhà dịch vụ tại trạm kiểm soát biên giới; bố trí khu dịch vụ, trưng bày các sản phẩm du lịch, hàng nông sản địa phương, điểm tâm cho du khách; hoàn thiện xây dựng hàng rào mềm trong thời gian vận hành thí điểm và xây dựng lộ trình phương án hàng rào cứng phục vụ vận hành chính thức.

Theo ông Hoàng Xuân Ánh, các đơn vị cần xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng như: Xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc riêng có; tổ chức show diễn đặc biệt để du khách thưởng thức, trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của miền non nước Cao Bằng; các sản phẩm du lịch trải nghiệm…

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, nếu năm 2015, Khu du lịch thác Bản Giốc đón 186.048 lượt khách du lịch (bằng 28% toàn tỉnh) thì sang năm 2019, lượng khách đã tăng lên 695.644 lượt (bằng 50,9% lượng khách du lịch của toàn tỉnh), chưa tính tới lượng khách từ phía Trung Quốc sang (khoảng 1,2 triệu lượt khách/năm). Từ đầu năm 2022, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách du lịch đến tỉnh đã dần hồi phục, kỳ vọng sau khi khu cảnh quan chính thức vận hành, thì tiềm năng để thu hút lượng khách từ nội địa của Khu du lịch thác Bản Giốc tiếp tục được mở rộng.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/som-dua-khu-canh-quan-thac-ban-gioc-duc-thien-vao-van-hanh-thi-diem-post461279.html