Sớm đưa Luật Tài nguyên nước 2023vào cuộc sống
Luật Tài nguyên nước (TNN) số 28/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Với 10 chương và 86 điều, Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ TNN thông qua 4 nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế TNN và bảo vệ TNN, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Với rất nhiều điểm mới, Luật TNN 2023 được kỳ vọng sẽ tạo một “cuộc cách mạng” trong chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước, một trong những loại tài nguyên đặc biệt quý giá của nhân loại.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: "Để bảo đảm Luật TNN 2023 sớm đi vào cuộc sống, ngày 28/6/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND về tổ chức triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh chú trọng yêu cầu việc triển khai thi hành Luật phải bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức liên quan; nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo chất lượng, tiến độ hoàn thành công việc. Tỉnh cũng xác định 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong triển khai, thi hành Luật TNN 2023 gồm: Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao trong Luật".
Để Luật sớm đi vào cuộc sống với sự chấp hành nghiêm của cả cơ quan quản lý và cộng đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật TNN 2023 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, đặc biệt là các quy định mới đến các cán bộ quản lý, người dân, doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác quản lý Nhà nước về TNN; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ quy định, pháp luật về TNN.
So với Luật TNN 2012, Luật năm 2023 thể hiện sự đổi mới tư duy mạnh mẽ. Đầu tiên phải kể đến việc Luật quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng TNN, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Đồng thời, đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị... theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến TNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý TNN. Đáng chú ý, một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật là TNN phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về TNN, nguồn nước với trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn... Với nguyên tắc cốt lõi đó, Luật TNN 2023 sẽ cải thiện triệt để công tác quản lý và bảo vệ nguồn TNN, bảo đảm việc khai thác và sử dụng TNN một cách hiệu quả và bền vững nhất.
Một nội dung không thể không nhắc đến trong Luật TNN 2023 là khát vọng làm sống lại các “dòng sông chết” ở nước ta, đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua do nhiều con sông đang “chết dần, chết mòn” vì ô nhiễm và nhiều nguyên nhân khác. Đặt ra “khát vọng” phục hồi các “dòng sông chết”, Luật TNN 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông và để đảm bảo tính khoa học, khả thi đã quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết" nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm "sống lại" các dòng sông.
Đặc biệt, nội dung hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý TNN hướng tới quản trị TNN quốc gia trên nền tảng công nghệ số là một trong những điểm nổi bật của Luật TNN 2023. Nền tảng công nghệ số sẽ được đẩy mạnh ứng dụng trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối TNN, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông. Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...). Để bảo đảm hướng dẫn đầy đủ, đúng tinh thần của Luật, ngay sau khi Luật được ban hành, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ TNN và tiền cấp quyền khai thác TNN. Ngày 16/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành các Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN 2023; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TNN và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản TNN; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc TNN dưới đất. Các Nghị định, Thông tư nêu trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Cùng với đó, để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật TNN 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan từ nay đến trước ngày 20/8/2024 tập trung rà soát, tổng hợp danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ trình UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới; đồng thời báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12/2024.
Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chủ động thực hiện theo quy định các nội dung của Luật TNN năm 2023. Đặc biệt phải chú trọng nâng cao trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính về TNN, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính về TNN. Hiện tại, tỉnh cũng đang tích cực đẩy nhanh đầu tư và ứng dụng công nghệ mới để thực hiện chương trình toàn quốc xây dựng hệ thống dữ liệu chung về khí tượng thủy văn, lưu lượng dòng chảy và các hồ chứa để điều tiết tích nước hoặc xả nước theo thời gian thực, thay vì theo mùa vụ, nhằm khắc phục mâu thuẫn và lãng phí giữa các nhu cầu khai thác nước cho thủy điện, thủy lợi và nước sạch trên cùng một dòng sông, nâng cao giá trị sử dụng nước lên mức trung bình của thế giới, thay vì chỉ bằng khoảng 1/8 như hiện nay. Tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn đẩy mạnh phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; chú trọng xử lý, bảo đảm an toàn nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái.
Với việc tuyên truyền kỹ lưỡng, khẩn trương ban hành và thực thi các quy định mới của Luật TNN 2023 cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành, chắc chắn thời gian tới Nam Định sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong quản lý, khai thác và sử dụng TNN, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.