Sớm gỡ các 'nút thắt' tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa chính thức được chuyển giao từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND TP Hà Nội quản lý từ ngày 24/11 vừa qua. Lễ chuyển giao là dấu mốc quan trọng, là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, việc tổ chức quản lý vận hành, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn còn chưa được như kỳ vọng và chưa đạt mục tiêu đề ra, với nhiều bất cập, hạn chế.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đến hết năm 2022, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 106 dự án đầu tư, trong đó có 86 dự án trong nước và 20 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng và 702,57 triệu USD. Hiện có 60 dự án đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề. Trong năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp tại khu đạt khoảng 18.000 tỷ đồng. Đa số các nhà đầu tư tại khu đang trong giai đoạn được hưởng các ưu đãi, nên đóng góp cho ngân sách chưa nhiều.
Trong năm 2022, số tiền nộp ngân sách nhà nước mới đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư tại đây đã làm chủ được công nghệ lõi, có những thành tựu quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế đã có mặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, như: Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Nissan Techno (Nhật Bản), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản), Trung tâm Nghiên cứu và kiểm thử DT&C (Hàn Quốc), Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Công ty FPT, Tập đoàn Vingroup...
Tuy nhiên, TS Hà Huy Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định, việc tổ chức quản lý vận hành, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn còn chưa được như kỳ vọng, nhiều “nút thắt” nảy sinh. Ông Ngọc cho rằng, tiến độ đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc diễn ra khá chậm, nhiều hạ tầng đang xây dựng dở dang vì thiếu vốn. Hạ tầng bên trong khu công nghệ cao, cũng như hạ tầng kết nối trong nội khu và nội khu với bên ngoài, do sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư nên còn manh mún, dàn trải. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư thường đề nghị được xây dựng dự án trên khu đất liền thành tổ hợp khép kín bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ nhà ở, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được phân chia thành các khu vực theo các chức năng cụ thể nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Về chính sách, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển các khu công nghệ cao. Tuy nhiên, quy định tại các văn bản này có nhiều điểm không còn phù hợp và không theo kịp với thực tiễn phát triển của các khu công nghệ cao trong cả nước và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Hiện rất nhiều quy định tại các nghị định trên bị phủ định hoặc mâu thuẫn, chồng chéo do các quy định mới của pháp luật chuyên ngành, như quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế…
TS Hà Huy Ngọc phân tích, cơ chế, chính sách cho phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chưa có nhiều vượt trội so với các khu công nghiệp thông thường, trong khi các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ, sản phẩm, các quy định về dự án công nghệ cao và trải qua quá trình thẩm định mất nhiều thời gian. Chưa có các chính sách, chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại khu công nghệ cao.
TS Hà Huy Ngọc chia sẻ, trong bối cảnh có sự dịch chuyển đầu tư giữa các khu vực, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nếu được tổ chức lại, phân cấp, phân quyền, có chiến lược đầu tư hấp dẫn, cùng với các thể chế đầu tư vượt trội, sẽ là điểm đến thu hút các dự án công nghệ cao vào Thủ đô Hà Nội.
Để hiện thực hóa được điều đó, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần khắc phục các “nút thắt” từ nhu cầu cơ bản, như cung cấp nước sạch, giao thông công cộng, nơi ở, công trình công cộng và hoàn thiện hạ tầng đường nội bộ, hệ thống internet trung tâm, trung tâm dữ liệu.
Chuyên gia này cũng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đó là ưu tiên hàng đầu đối với thu hút nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực ưu tiên của Hà Nội. Ngoài ra, TP cũng cần ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ưu đãi miễn thuế thu nhập cá nhân cho khoản đầu tư vốn vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.