Sớm hoàn thiện thể chế phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền sau sắp xếp

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 12/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Phát biểu tại Phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ sự thống nhất và ủng hộ cao Tờ trình và Đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Quá trình chuẩn bị Đề án bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Đề án đã được lấy ý kiến Nhân dân và ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp ở các tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp với tỷ lệ tán thành cao (tỷ lệ cử tri đại diện hộ gia đình có ý kiến đồng ý đạt trung bình 96,19%; 100% Hội đồng nhân dân các cấp ở các tỉnh, thành phố tán thành với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh). Hồ sơ Đề án đã được Chính phủ biểu quyết thông qua.

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại các địa phương mới sáp nhập

Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu

Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu

Cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025, đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBHQ tỉnh Hà Giang cho rằng một số tỉnh mới trở thành tỉnh vùng cao biên giới, có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, dân cư phân tán, một số trung tâm hành chính mới có thể nằm xa các xã, huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nhiều xã chưa có đường bê tông, giao thông đi lại rất khó, nhất là vào người mua lũ. Đại biểu Vương Thị Hương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn đến đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, bảo đảm thuận tiện việc triển khai nhiệm vụ chính trị, tiếp công dân, nắm bắt tình hình ở cơ sở. Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ đưa các tuyến đường giao thông kết nối trung tâm tỉnh với các xã vùng biên, vùng sâu vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đồng thời ưu tiên các dự án giao thông huyết mạch, tạo động lực liên kết vùng, kết nối phát triển đảm bảo quốc phòng an ninh và chủ quyền lãnh thổ.

Đại biểu K'Nhiễu, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu

Đại biểu K'Nhiễu, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu

Đồng quan điểm về nội dung này, đại biểu K'Nhiễu, Đoàn ĐBHQ tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy mà còn là chiến lược tái cấu trúc không gian phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng vùng miền và hiện đại hóa dịch vụ công. Qua tiếp xúc cử tri nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu K’Nhiễu đề nghị cần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kết nối vùng trung tâm hành chính với các thôn bản sau sáp nhập do quãng đường di chuyển xa và khó khăn, cơ sở hạ tầng giao thông hiện tại tại một số vùng miền chưa đủ điều kiện khiến người dân khó khăn trong việc di chuyển.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu

Nhằm tạo điều kiện cho người dân trong quá trình công tác và sinh hoạt, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn ĐBHQ tỉnh Đắk Nông đề nghị cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tăng cường kết nối trong nội tỉnh và kết nối vùng giữa các tỉnh mới sáp nhập, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tế một cách kịp thời và hiệu quả.

Giải quyết hợp tình hợp lý các chính sách, chế độ cho cán bộ và người lao động sau sáp nhập

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu

Cho ý kiến về việc giải quyết chính sách, chế độ cho người lao động sau sắp xếp lại đơn vị hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBHQ tỉnh Quảng Ninh cho rằng đây là khó khăn, thách thức lớn trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, việc điều chuyển phân công lại phải bảo đảm đúng quy định, phù hợp với tình hình, hợp lý hợp tình, tạo được sự đồng thuận, bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ công chức, viên chức, người hoạt động chuyên trách. Bên cạnh đó, cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương, sau sáp nhập khối lượng công việc tăng, phạm vi quản lý rộng lớn hơn, trách nhiệm lớn hơn đối với lực lượng cán bộ công chức cấp xã, đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cấp xã chịu tác động trực tiếp từ sau sắp xếp sáp nhận đơn vị hành chính rất cần có chính sách rõ ràng ổn định và có lộ trình chuyển tiếp phù hợp, thể hiện sự quan tâm và nhân văn trong quá trình thực hiện cải cách.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBHQ tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần có các chính sách, chế độ phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập. Việc sắp xếp đơn vị hành chính là quyết sách lớn của đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc và sinh hoạt của người lao động, do đó đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần có các chế độ về nơi làm việc, phương tiện di chuyển, nhà ở công vụ cho cán bộ đương chức yên tâm công tác; các chính sách phù hợp và nhân văn cho các công chức, viên chức không còn điều kiện công tác.

“Việc động viên, làm công tác tư tưởng để cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc là điều rất cốt lõi, quan trọng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu

Đồng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBHQ tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn khung về sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm tiêu chí tinh gọn, hiệu quả, không làm tăng biên chế nhưng cũng cần có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với những cán bộ công chức dôi dư, không bố trí được; đặc biệt, cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng trong công tác nhân sự, không để xảy ra tâm lý bất an trong đội ngũ cán bộ công chức.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh mang tính bước ngoặt lịch sử, được các cấp có thẩm quyền xem xét kỹ lưỡng, toàn diện và thận trọng

Phát biểu tiếp thu, giải trình về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng đây là vấn đề rất hệ trọng, có tính bước ngoặt lịch sử, và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét kỹ lưỡng, toàn diện và thận trọng. Công tác chuẩn bị được thực hiện với sự chắc chắn, khoa học và biện chứng, dựa trên lịch sử, văn hóa, thực tiễn Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng đã nghiên cứu, xem xét nhiều yếu tố như tư duy chiến lược, tổ chức lực lượng, giải phóng tư tưởng và tâm lý xã hội, cùng các yếu tố địa lý, tự nhiên, địa chính trị, địa kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tiếp thu, giải trình

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tiếp thu, giải trình

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương ban hành chương trình, kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện, trong đó khẩn trương hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, bố trí nhân sự phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm, có đủ khả năng tiếp nhận các nhiệm vụ, quyền hạn mới để triển khai thực hiện ngay sau khi chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào vận hành. Đồng thời, kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý bảo đảm đúng đối tượng và quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính.

Hà Thu – Lan Hương – Cao Hoàng – Thế Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94529