Sớm hoàn thiện thủ tục khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khó khăn vướng mắc trong khai thác, cung ứng vật liệu cát phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Thiếu cát đắp, ảnh hưởng tiến độ
Theo đề xuất tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp nền đường cao tốc Bắc Nam tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí khai thác các mỏ cát đắp đường cho dự án. Trong đó, tỉnh An Giang bố trí 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Vĩnh Long 5 triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3).
Để chủ động sử dụng nguồn cát biển cho việc tổ chức thi công thí điểm mở rộng ở các đoạn tuyến phù hợp, trên cơ sở kết quả dự án "Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long" của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp UBND các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh triển khai các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù.
Tuy nhiên, các địa phương còn lúng túng liên quan đến cơ chế đặc thù đối với khai thác cát biển, quy định về ranh giới hành chính trên biển, trình tự, thủ tục cấp phép khai thác… nên Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục.
Theo tính toán của Bộ GTVT, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện nay cần đủ khối lượng 18,5 triệu m3 vào cuối tháng 6/2024, năm 2023 phải cấp được 9,1 triệu m3, nhưng đến nay vẫn chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.
Mặc dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ để sớm cung cấp vật liệu cho dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GTVT cũng đã chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, đến cuối tháng 1/2024, thủ tục khai thác, cung ứng vật liệu cho dự án không đáp ứng tiến độ. Trong đó, tỉnh An Giang còn thiếu 1 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long còn thiếu 1,98 triệu m3...
Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) cho biết, do việc cung ứng các mỏ cát năm 2023 chậm, nên hiện nay, để đảm bảo tiến độ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần phải cung ứng khoảng 90.000m3/ngày mới có thể bù tiến độ theo kế hoạch.
Sớm hoàn thiện thủ tục khai thác mỏ cát
Cuối tháng 1/2023, Bộ GTVT đã khảo sát dự án và trực tiếp làm việc với các địa phương để nhận diện khó khăn, vướng mắc, tìm cách tháo gỡ. Mặc dù đang chờ thủ tục khai thác các mỏ cát, nhưng thực tế công suất được phép khai thác của các mỏ mới hạn chế, phải kéo dài đến năm 2025 mới khai thác hết trữ lượng.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2025, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long khẩn trương cấp "Bản xác nhận" đối với các mỏ cát tại địa phương, để có thể khai thác từ tháng 2/2024.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương cho phép nhà thầu được khai thác tối đa công suất hoạt động của thiết bị, phương tiện và thời gian khai thác trong ngày, đảm bảo sản lượng khai thác; căn cứ tình hình thực tế khai thác của các mỏ đã cấp cho dự án, rà soát, đánh giá nội dung đánh giá tác động môi trường được duyệt để xem xét, có phương án điều chỉnh tăng công suất khai thác các mỏ (nếu đủ điều kiện).
Bộ GTVT cũng đề xuất các địa phương rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép khai thaccs mỏ cát để có thể khai thác trước ngày 15/3/2024; đồng thời, UBND các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp nền đường như Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… hỗ trợ chủ đầu tư và các nhà thầu khảo sát các mỏ cát sông, cát biển để bổ sung.
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau khởi công ngày 1/1/2023, sau hơn 1 năm thi công đã đạt sản lượng 3.816 tỷ đồng/18.812 tỷ đồng, đạt 20,3% giá trị hợp đồng, chậm so với tiến độ khoảng 6 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường, nên các nhà thầu chủ yếu tập trung triển khai thi công hạng mục cầu trên tuyến, đào đất, đắp bờ bao, thi công đường công vụ, cầu tạm... Ngoài ra, một số vị trí thi công trên tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau còn vướng mặt bằng, một số vị trí vướng công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời, đặc biệt là đường điện cao thế, nên khó khăn trong việc tiếp cận để di chuyển thiết bị vào thi công.