Sớm sửa đổi, bổ sung quy tắc xuất xứ hàng hóa phù hợp với tình hình mới

Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2018/NĐ-CP để phù hợp với diễn biến tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu về phòng chống gian lận xuất xứ, cũng như thúc đẩy tận dụng xuất xứ hàng hóa trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề phòng, chống gian lận xuất xứ tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý I/2025, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, có thể nói, xuất xứ hàng hóa là công cụ vừa giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng được các cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại, đồng thời cũng là công cụ phòng, chống các hoạt động gian lận giúp bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn chú trọng công tác về xuất xứ hàng hóa, vừa thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường nhận thức, tăng cường khả năng tận dụng các quy tắc về xuất xứ, vừa có những cảnh báo cũng như các hoạt động kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo không xảy ra tình trạng gian lận xuất xứ.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), gian lận xuất xứ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thương mại cũng như cách đối xử của các đối tác thương mại đối với hàng hóa Việt Nam

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), gian lận xuất xứ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thương mại cũng như cách đối xử của các đối tác thương mại đối với hàng hóa Việt Nam

Sẽ xây dựng website riêng về xuất xứ hàng hóa

Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, gian lận xuất xứ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thương mại cũng như cách đối xử của các đối tác thương mại đối với hàng hóa Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai một số biện pháp, cụ thể như: Bộ đã triển khai hoàn thiện khung thể chế pháp luật liên quan đến xuất xứ hàng hóa, trong đó tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31 để phù hợp với diễn biến thực tế, đáp ứng được yêu cầu về phòng, chống gian lận xuất xứ, cũng như thúc đẩy tận dụng xuất xứ hàng hóa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tiến hành các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về xuất xứ hàng hóa. Có thể nói xuất xứ hàng hóa là một lĩnh vực khá kỹ thuật, đòi hỏi phải có nhận thức cũng như kiến thức, kỹ năng để giúp cho doanh nghiệp có thể tận dụng tốt hơn. Bộ Công Thương đã tổ chức rất nhiều các hội nghị, hội thảo, và các hoạt động trên môi trường trực tuyến, và sắp tới đây, Bộ sẽ xây dựng website riêng về vấn đề xuất xứ hàng hóa, qua đó góp phần tăng cường, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về vấn đề này.

Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, đưa lĩnh vực cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lên Cổng Dịch vụ công trực tuyến, đến nay, đây là dịch vụ công trực tuyến có số lượng hồ sơ nhiều nhất của Bộ Công Thương và tính trong các Bộ, ngành thì đây cũng là dịch vụ công trực tuyến có lượng hồ sơ rất lớn.

Bộ Công Thương quyết tâm đưa lĩnh vực này lên môi trường trực tuyến và hiện nay các doanh nghiệp đều phải cung cấp hồ sơ về xuất xứ hàng hóa qua môi trường trực tuyến, đây cũng là điểm giúp cho các doanh nghiệp rút ngắn thời gian, tận dụng được các quy tắc về xuất xứ hàng hóa, đồng thời cũng giúp các cơ quan Nhà nước có thể kiểm soát, giám sát hồ sơ về xuất xứ và gian lận xuất xứ.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống gian lận xuất xứ

Về hoạt động tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về xuất xứ hàng hóa, ông Trần Thanh Hải cho biết, mặc dù lực lượng của cơ quan quản lý Nhà nước còn khá mỏng nhưng trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp với các đơn vị của các Bộ, ngành và địa phương liên tục tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với các đối tác nước ngoài trong các vụ việc cụ thể thì có thể có các chuyên đề chuyên sâu. Như vậy, đến nay, có thể nói, việc đảm bảo thực hiện phòng, chống gian lận xuất xứ đã tiến hành khá tốt.

Mặc dù vậy, ông Trần Thanh Hải cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, trong bối cảnh mới có thể có những diễn biến, có những phương thức mới, theo đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các thể chế và nhân lực, bộ máy để có thể làm tốt hơn công việc này.

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/som-sua-doi--bo-sung-quy-tac-xuat-xu-hang-hoa-phu-hop-voi-tinh-hinh-moi-139111.htm