Sớm tháo gỡ khó khăn dự án Đường động lực
ĐBP - Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Đường động lực) được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư cuối năm 2020; UBND tỉnh quyết định phê duyệt dự án tháng 5/2021. Tuy nhiên sau nhiều tháng triển khai, đến nay dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khiến tiến độ thực hiện các gói thầu chậm so với kế hoạch.
Các nhà thầu tập trung phương tiện, máy móc thi công các gói thầu đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng. Trong ảnh: Nhà thầu tập trung đào nền đường, vận chuyển tuyến NT1 thuộc gói thầu xây lắp số 2, 3 thuộc dự án Đường Động lực.
Dự án Đường động lực có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương (980 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương (320 tỷ đồng); thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024. Tổng chiều dài tuyến 35,35km, trong đó: Phần tuyến đường đô thị có chiều dài 5,78km và tuyến đường ngoài đô thị có chiều dài 29,57km. Dự án bao gồm 11 gói thầu xây lắp, đã ký hợp đồng 10 gói (riêng gói thầu xây lắp số 11 phần điện nước sẽ được tổ chức lựa chọn trong quý IV/2022). Đến nay tổng giá trị đã thi công khoảng 138,012 tỷ đồng (đạt 14,38%) chủ yếu gồm: Thi công 3 công trình cầu vượt sông Nậm Rốm; đào nền đường, vận chuyển tuyến NT1 (Km0+00 đến Km0+473,64); đào đắp nền đường và công trình thoát nước tuyến chính, tuyến nhánh 3, 4, 5 và tập trung sản xuất các cấu kiện bê tông , bê tông cốt thép đúc sẵn.
Ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh cho biết: Hiện nay tiến độ dự án đang chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do dự án triển khai đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên phải tạm dừng một thời gian. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên quá trình triển khai dự án gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Tổng chiều dài tuyến lớn song việc GPMB rời rạc khiến các nhà thầu xây lắp chưa thể tiến hành thi công. Chủ đầu tư đã nhiều lần làm việc với UBND TP. Điện Biên Phủ và UBND huyện Điện Biên song công tác GPMB vẫn rất chậm. Trong 10 gói thầu xây lắp đã ký, đến nay chỉ có các gói thầu số 1, 9, 10 đã cơ bản bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Gói thầu số 1 giá trị thi công đạt 70% giá trị gói thầu; gói thầu số 9, 10 nhà thầu đã dựng lán trại, tập kết vật liệu, sản xuất cấu kiện bê tông, bê tông cốt thép đúc sẵn và đang triển khai thi công nền đường, cống thoát nước ngang. Đối với các gói thầu còn lại, diện tích đã GPMB để bàn giao cho nhà thầu còn ít, cá biệt tại các gói thầu số 4, 5, 6 đến nay chưa có mặt bằng để thi công.
Công tác GPMB thuộc trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh. Thời gian qua, chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Điện Biên Phủ và UBND huyện Điện Biên. Tuy nhiên, đến nay, công tác này triển khai rất chậm, gặp nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết.
Đối với TP. Điện Biên Phủ, tổng số hộ dân có đất và tài sản trên đất phải thu hồi, bồi thường để GPMB phục vụ dự án là 250 hộ tại 4 phường: Nam Thanh, Noong Bua, Him Lam, Thanh Trường. Đến nay, UBND TP. Điện Biên Phủ đã phê duyệt 15 phương án cho 67/250 hộ dân và 47/95 ngôi mộ với giá trị 11,7 tỷ đồng; diện tích mặt bằng đã giải phóng là 8,1ha/32,4ha (đạt 25%). Đối với điểm tái định cư đã kiểm đếm xong 33/33 hộ và đang trình thẩm định 29/33 hộ dân bị ảnh hưởng (4 hộ dân còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ). Công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc là do một số nguyên nhân chính như: UBND TP. Điện Biên Phủ đang kiện toàn công tác cán bộ nên từ tháng 9 đến nay UBND TP. Điện Biên Phủ chưa phê duyệt thêm được phương án GPMB; 11 hộ dân đã công khai phương án tại UBND phường Noong Bua với diện tích đất thu hồi trên 6.859m2 song do có sự sai lệch về nguồn gốc đất khiến công tác lập, thẩm định phương án gặp khó khăn; UBND phường Noong Bua, Nam Thanh gặp khó khăn trong công tác xác minh nguồn gốc đất; một số hộ dân sử dụng đất khác với mục đích sử dụng đất được quy định trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số hộ dân chưa đồng ý nhận tiền theo phương án đã phê duyệt; một số diện tích đất đang diễn ra tranh chấp...
Tại huyện Điện Biên, tổng số hộ dân có đất và tài sản trên đất phải thu hồi là 1.310 hộ dân trên địa bàn 8 xã với tổng chi phí GPMB khoảng 118 tỷ đồng. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt được 11 phương án cho 548/1.310 hộ dân với tổng diện tích đã giải phóng là 21,93/47,45ha, đạt 46%. Trong tháng 10/2022, tổ chức rà soát lại toàn bộ các phương án đã phê duyệt nên UBND huyện Điện Biên chưa phê duyệt thêm được các phương án GPMB; khó khăn trong việc xác định đơn giá bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng diện tích đất nhận bàn giao từ Công ty Cổ phần chế biến nông sản Điện Biên; vướng mắc trong việc xác minh các hộ gia đình đã được bồi thường bởi dự án Tây lòng chảo nhằm tránh trùng lặp, trả tiền 2 lần.
Theo ông Nguyễn Thái Bình, thời gian tới chủ đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Điện Biên Phủ, UBND huyện Điện Biên và UBND các phường, xã trong vùng dự án để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ GPMB. Đối với các gói thầu xây lắp, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu sẵn sàng máy móc, phương tiện và nhân lực để khi được bàn giao mặt bằng sẽ tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật.
Để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Đường động lực, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đã yêu cầu chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan thực hiện kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng rừng riêng lẻ, theo từng giai đoạn phục vụ công tác GPMB dự án. Đối với việc xác định nguồn gốc đất đai, chính quyền các địa phương cần đặc biệt lưu ý không bồi thường mà chỉ thực hiện hỗ trợ đất nông nghiệp, vận dụng theo hình thức hỗ trợ một lần; việc bồi thường đất giữa thực tế sử dụng và giấy chứng nhận theo hướng bồi thường theo hiện trạng sử dụng đất. Đối với 11 hộ dân đã công khai phương án tại phường Noong Bua, UBND TP. Điện Biên Phủ áp dụng như hỗ trợ thực hiện dự án Đường 60m. Đối với việc đền bù các hộ làm nhà trên đất nông nghiệp, UBND TP. Điện Biên Phủ cần rà soát, xác định rõ số hộ, thời điểm làm nhà, hiện trạng sử dụng để có phương án hỗ trợ. Đối với huyện Điện Biên, cần xác định rõ đối tượng tái định cư và tập trung rà soát lại các phương án bồi thường để tránh trùng lặp.