Sớm tìm lại vị thế, giá trị di sản đàn bầu Việt Nam

Bảo tồn, phát triển nghệ thuật đàn bầu trong đời sống đương đại được các nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa cho rằng rất cấp thiết. Bởi theo nhiều ý kiến cảnh báo, cây đàn bầu và nghệ thuật trình diễn đàn bầu đang đứng trước nguy cơ 'mất quyền sở hữu'.

Cây đàn độc đáo của người Việt

Đàn bầu được coi là nhạc cụ thuần Việt, độc đáo nhất trong hệ thống các nhạc cụ dân tộc. GS, TS âm nhạc Trần Quang Hải nhận định: Cây đàn bầu là nhạc cụ “đặc hữu” của Việt Nam từ rất xa xưa. Trong “Đại Nam thực lục tiền biên” (bộ sử của nhà Nguyễn) ghi lại, cây đàn bầu đã được sáng tạo từ năm 1770. Đàn bầu cũng từng được các nghệ sĩ mù ở Hà Nội dùng phụ đệm hát xẩm ở các chợ trời từ cuối thế kỷ thứ 19. Do đó, đàn này còn được gọi là “đàn xẩm”. Đàn bầu được đưa vào dàn nhạc cung đình Huế từ cuối thế kỷ 19 và xuất hiện trong dàn nhạc tài tử Nam Bộ từ năm 1930.

Theo NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm: Trên thế giới, cây đàn một dây có ở nhiều quốc gia, nhưng đều dừng lại ở mức độ khá đơn sơ. Duy chỉ có cây đàn bầu của người Việt là phát triển ở trình độ cao với kỹ thuật diễn tấu đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc. Âm điệu đàn bầu là tiếng nói thâm trầm của con người Việt Nam, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Nó chuyên chở hồn dân tộc qua nhiều thăng trầm lịch sử, chia sẻ mọi đắng cay trong cuộc sống với niềm tin vươn lên. Chính vì thế, trong hệ thống nhạc cụ truyền thống, cây đàn bầu có vị trí rất đặc biệt, nhất là từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (tháng 8-1945); tiếp đó là việc thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1956 (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), cây đàn được đưa vào giảng dạy, học tập một cách chính quy. Cũng từ đó, những sáng tạo, cải tiến cây đàn bầu của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, người chế tác nhạc cụ lần lượt xuất hiện.

Cụ thể, năm 1956, ông Ngọc-một nghệ sĩ chuyên sử dụng bộ gõ tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Trung ương đã đưa hệ thống khuếch đại âm thanh vào cây đàn bầu qua mô-bin, loa và được nghệ nhân Nguyễn Tiếu thể nghiệm qua bài “Hoa thơm bướm lượn” (dân ca Quan họ Bắc Ninh). Năm 1957, nghệ sĩ Mạnh Thắng (Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) cải tiến đàn bầu bằng cách đặt micro vào hộp đàn truyền ra máy và loa để âm lượng của tiếng đàn lớn hơn. Năm 1978, nghệ sĩ Nguyễn Tiến (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) cải tiến đàn bầu trầm, chặn câm và cần đàn nằm ngang… Trong khoảng thời gian những năm 80-90 có thêm nhiều cải tiến đàn bầu, nhạc sĩ Mai Đình Tới, nghệ sĩ Nguyễn Văn Nam và kỹ sư Nguyễn Văn Lợi thiết kế bộ khuếch đại âm thanh (amply) nhỏ gọn lắp vào hộp đàn sử dụng loa sắt cắm ngoài phù hợp với tiếng đàn bầu và thuận tiện, hiện nay được nhiều nghệ sĩ chơi đàn bầu sử dụng.

Đàn bầu có sức lan tỏa tới bạn bè quốc tế, trong đó rất nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài qua những ngón đàn rất khác biệt, vừa nghệ thuật lại vừa giải trí, đủ khiến người ta đắm chìm trong những âm thanh mộc mạc, da diết, luyến lưu... của nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành. Hiện tại, nghệ sĩ Phạm Đức Thành định cư tại Canada đã thành lập câu lạc bộ đàn bầu tại một số quốc gia, như Thụy Sĩ, Pháp và gần đây là ở Nhật Bản. Thêm vào đó, ông có chương trình tự học đàn bầu qua DVD hoặc website phamducthanh.com, với mong muốn đưa loại hình âm nhạc dân tộc của đất nước mình đến nhiều người, nhiều quốc gia trên thế giới.

Xứng danh di sản văn hóa thế giới

GS, TS âm nhạc Trần Quang Hải từng có bài viết bày tỏ lo lắng về việc nếu không sớm có những động thái phù hợp, Việt Nam có thể bị “mất quyền sở hữu” cây đàn bầu. Theo ông, gần đây, nước ngoài nhận nhầm hoặc cố tình nhận nhầm đàn bầu là của họ. “Việc làm trước tiên là phải trình UNESCO nhìn nhận đàn bầu là di sản văn hóa của Việt Nam như từng làm cho quan họ, ca trù, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam Bộ... Đây là việc làm khẩn cấp và phải làm ngay từ bây giờ để đánh dấu sự hiện hữu của nhạc cụ này trong nhạc dân tộc Việt Nam. Đồng thời, kêu gọi những nhà nghiên cứu nhạc dân tộc tìm kiếm tài liệu qua sách vở xưa để minh chứng đàn bầu đã có đời sống liên tục, lâu bền trong cộng đồng người Việt ở Việt Nam”, GS, TS Trần Quang Hải cho hay.

Nhận thấy đây là vấn đề cấp bách nhằm khẳng định vị thế của cây đàn bầu trong nền văn hóa Việt Nam và thế giới, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đang triển khai các kế hoạch, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị công nhận đàn bầu là di sản văn hóa quốc gia và tiến tới đề nghị UNESCO xem xét, công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trong những bước đi đầu tiên của kế hoạch xây dựng hồ sơ, học viện đã giao Viện Âm nhạc triển khai công tác chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho bộ hồ sơ quốc gia, sau đó là di sản thế giới.

TS Bùi Văn Hộ, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc cho rằng: "Hiện nay, số lượng người biết sử dụng đàn bầu không nhiều. Trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật, số lượng học sinh đăng ký tham gia học môn đàn bầu ngày càng ít. Ở khía cạnh biểu diễn, nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp không nhìn thấy bóng dáng của cây đàn bầu. Nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc hiện cũng không sử dụng nhạc truyền thống nói chung hay đàn bầu nói riêng để độc tấu, hòa tấu hay dùng cả một tốp nhạc cụ truyền thống để đệm cho hát các làn điệu dân ca…". Cùng quan điểm với TS Bùi Văn Hộ, NSƯT Bùi Lệ Chi, Trưởng bộ môn Đàn bầu, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đề xuất: "Để cây đàn bầu tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế của mình với tư cách là một đại diện tiêu biểu của con người và văn hóa Việt Nam, thì công tác đào tạo phải là nền tảng. Bởi đào tạo chính là cơ sở để phát triển nghệ thuật biểu diễn. Có như vậy, những nỗ lực bảo tồn cũng như công tác phát huy giá trị đàn bầu mới lâu bền".

CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/som-tim-lai-vi-the-gia-tri-di-san-dan-bau-viet-nam-604525