Sớm vực dậy thị trường

Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững vừa được Chính phủ ban hành, đã mang lại niềm tin cho doanh nghiệp và người dân.

Một số nội dung được quan tâm là Chính phủ triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân. Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Các bộ, ngành có biện pháp xử lý phù hợp với những doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ; đồng thời có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản. Về lâu dài, Chính phủ yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến kinh doanh bất động sản, tạo hành lang pháp lý để thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Sở dĩ nói Nghị quyết số 33/NQ-CP mang lại niềm tin cho doanh nghiệp là vì đã đưa ra các giải pháp xử lý đúng, trúng những vấn đề của thị trường bất động sản. Đó là đưa nguồn vốn đến phân khúc dự án đáp ứng nhu cầu sử dụng thực của số đông người dân như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đó là hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn khi thị trường suy giảm, “đóng băng”; khắc phục bất cập về pháp lý, nhất là liên quan đến quy hoạch, đất đai, vốn là “nút thắt” của thị trường bất động sản...

Tuy nhiên, để các giải pháp trên thực sự đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả thì còn cần cả sự tham gia của doanh nghiệp - một chủ thể quan trọng của thị trường. Bởi một thời gian dài, thị trường bất động sản phát triển nóng, giá nhà, đất tăng quá cao so với thu nhập trung bình của người dân. Đồng thời, tồn tại nghịch lý là thiếu nhà ở có mức giá phù hợp với thu nhập của người dân nhưng lại thừa dự án cao cấp, nhiều biệt thự bỏ hoang rất lãng phí. Thậm chí nghịch lý này ngày càng trầm trọng khi các thống kê chỉ ra, tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, dự án giá bình dân gần như biến mất, trong khi dự án giá trung bình cũng ít dần.

Khắc phục nghịch lý trên, không ai khác chính doanh nghiệp bất động sản phải cơ cấu lại dòng sản phẩm, xây dựng dự án có giá cả phù hợp với số đông người dân, có hạ tầng đồng bộ đáp ứng nhu cầu sống ngày càng cao. Trước khi được hỗ trợ, doanh nghiệp cũng phải chủ động, nỗ lực tự tìm giải pháp vượt qua khó khăn. Nguồn vốn tín dụng sẽ tập trung cho dự án đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, có phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính. Do đó, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị về năng lực và uy tín để đáp ứng yêu cầu.

Nghị quyết số 33/NQ-CP đưa ra những định hướng lớn. Vì thế, yêu cầu đặt ra với các bộ, ngành là chủ động, bắt tay ngay vào triển khai phần việc thuộc thẩm quyền. Bên cạnh đó cần có sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ, ràng buộc trách nhiệm của các bộ, ngành. Điều kiện vay vốn, thủ tục vay vốn cần đơn giản, thuận tiện, tốn ít thời gian, để chủ đầu tư và người dân có thể nhanh chóng tiếp cận, hưởng lợi. Đi cùng với đó, việc bố trí quỹ đất, phê duyệt quy hoạch, dự án đầu tư cũng phải khẩn trương hơn. Thị trường bất động sản có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực nên sớm vực dậy thị trường này sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế và toàn xã hội.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1058485/som-vuc-day-thi-truong