Sớm xây dựng chính sách thực thi để 'giữ chân' doanh nghiệp FDI
Theo lộ trình, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ ngày 1/1/2024 được cho là sẽ có tác động rất lớn, ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Không còn nhiều thời gian để chuẩn bị, giới chuyên gia cho rằng, nước ta cần sớm xây dựng chính sách thực thi để kịp thời 'giữ chân' doanh nghiệp cũng như không thất thu ngân sách nhà nước.
Cơ hội song hành cùng thách thức
Hiện tại, Chính phủ các nước đầu tư và nhận đầu tư đều đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu. Nhiều nước sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Vấn đề này cũng đặt ra không ít cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam trong duy trì tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo TS. Lê Quang Thuận - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), thỏa thuận thuế toàn cầu đối với Việt Nam sẽ đem lại nhiều cơ hội khác nhau, cụ thể:
Thứ nhất, theo nguyên tắc quyền đánh thuế của nước nguồn (STTR), Việt Nam có quyền thu thuế với mức thuế suất tối thiểu 9% đối với một số khoản thanh toán nhất định cho bên liên kết ở dưới mức tối thiểu.
Thứ hai, theo nguyên tắc chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE), Việt Nam có quyền áp dụng mức thuế suất nội địa tối thiểu 15% để thực hiện quyền thu thuế trong trường hợp công ty đa quốc gia tại Việt Nam có mức thuế suất thực (ETR) dưới 15%.
Thứ ba, Việt Nam có cơ hội thu thêm phần thuế suất chênh lệch giữa thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% và mức thuế suất thực tế mà doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ra nước ngoài dưới 15%.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ đem lại cả thách thức. TS. Lê Quang Thuận chỉ ra rằng, thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến số thu thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đối với các công ty đa quốc gia có công ty con đang hoạt động tại Việt Nam nhưng sẽ khiến cho chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam giảm đi tính hấp dẫn, từ đó tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam và gián tiếp ảnh hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế đối với khu vực doanh nghiệp này. Theo ước tính, có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có doanh thu trên 750 triệu Euro (theo báo cáo tài chính năm 2021) sẽ bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu.
Trong trường hợp công ty đa quốc gia có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế dẫn đến mức thuế suất thực thấp hơn 15% thì quốc gia nơi có trụ sở của công ty mẹ tối cao được đánh thuế bổ sung. Vấn đề này sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài thay đổi chiến lược đầu tư, phân bổ lại hoạt động đầu tư do bản thân các doanh nghiệp đó cũng không được hưởng lợi ích từ việc cam kết ưu đãi thuế của Việt Nam và có thể dẫn đến tranh chấp hoặc yêu cầu khác từ phía nhà đầu tư nước ngoài đối với Chính phủ Việt Nam.
“Thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là “luật chơi” của các nước phát triển đầu tư vốn ra nước ngoài nhằm giải quyết vấn đề thất thu ngân sách do cạnh tranh thuế giữa các quốc gia thu hút đầu tư, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trong việc thu hút đầu tư giữa các quốc gia. Là một quốc gia đang phát triển, có độ mở của nền kinh tế lớn, chủ yếu tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài nên cho dù có tham gia hay không tham gia thì thỏa thuận này vẫn có tác động đến Việt Nam như đã phân tích ở trên, Vì vậy, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để thích ứng với bối cảnh mới.”, TS. Lê Quang Thuận nhận định.
Nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định, nếu từ năm 2024, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, những nỗ lực thu hút FDI của Việt Nam thông qua việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Bởi xưa nay, việc thu hút vốn ngoại của Việt Nam đều dựa vào thuế suất thấp và lao động nhân công giá rẻ. Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến dòng vốn FDI có những xáo trộn trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, về lâu dài, thuế tối thiểu toàn cầu đưa ra trong bối cảnh các nước đang phát triển tìm cách hút đầu tư bằng mọi giá đã và đang tạo ra cuộc “cạnh tranh xuống đáy”. Thuế thu nhập doanh nghiệp danh nghĩa tại các nước trên thế giới liên tục giảm. Như vậy, khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, cuộc cạnh tranh này sẽ chấm dứt.
Không thể chậm trễ!
Dù mang lại cả cơ hội cũng như thách thức nhưng có thể thấy trong bối cảnh hiện nay Việt Nam không thể chậm trễ trong việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Việt Nam càng chậm trễ áp dụng chính sách này thì sẽ càng thiệt hại. Bởi lẽ, nếu một tập đoàn của Hàn Quốc đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 7% tại Việt Nam, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng ở Hàn Quốc năm 2024 mà chưa áp dụng ở Việt Nam, tập đoàn đó sẽ phải nộp ít nhất 8% thuế chênh lệch cho Hàn Quốc, nước đặt trụ sở chính. Như vậy, Việt Nam không thu được phần chênh lệch 8%.
“Ước tính có khoảng hơn 100 doanh nghiệp phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Như vậy, nếu chậm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu ngân sách chúng ta sẽ mất vài tỷ USD/năm, trong khi tổng thu ngân sách hàng năm chỉ khoảng 100 tỷ USD”, GS.TSKH. Nguyễn Mại cho hay.
Bà Hương Vũ - Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam nhận định, đây là thời điểm để Việt Nam xem xét đánh giá lại để điều chỉnh các chính sách ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm đặc biệt quan trọng, mang tính bản lề và có ảnh hưởng lớn đối với hoạt động thu hút FDI của Việt Nam. Các tập đoàn lớn cũng như các công ty đa quốc gia đều đang phải cơ cấu lại quy mô sản xuất, chuỗi cung ứng, thu hẹp nhân sự hoặc chuyển địa điểm sang những nơi có thủ tục hành chính, chi phí năng lượng và gánh nặng thuế thấp hơn. Do vậy, rất nhiều các tập đoàn đa quốc gia sẽ phải cân nhắc việc hoạch định lại các chiến lược đầu tư của mình để giảm thiểu ảnh hưởng khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.
Trước tình hình này, ông Phan Đức Hiếu - thành viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động – bao gồm cả cơ hội và tác động tiêu cực; cần nhanh chóng rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi và từ đó cần xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực, đối tượng, tác động tích cực – tiêu cực, cơ hội, thách thức. Chỉ khi xác định đầy đủ bức tranh tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp.
“Thách thức lớn nhất lúc này là áp lực thời gian. Thực tiễn cho thấy, để tận dụng cơ hội hay hóa giải thách thức có thể cần hành động chính sách, sửa đổi nội luật. Chúng ta chỉ có khoảng 10 tháng quý giá để hành động, tận dụng cơ hội, giữ quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách nhà nước vừa đảm bảo chủ trương thu hút đầu tư. Và trong việc này, Chính phủ không thể làm một mình mà phải có sự đối thoại, hợp tác, tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí là cả hợp tác quốc tế giữa các quốc gia”, ông Phan Đức Hiếu nhận định.