'Sống' được với nghề
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số là yếu tố quan trọng, góp phần giảm nghèo. Do đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn đã có nhiều đổi mới trong dạy nghề, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo để người lao động học nghề xong có thể 'sống' được với nghề.
Huyện Yên Sơn có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Theo ông Đặng Xuân Cường, Giám đốc Trung tâm, hằng năm Trung tâm tập trung mở các lớp đào tạo nghề với mục tiêu “trao cần câu chứ không trao con cá”, trong đó, tập trung vào các xã đang về đích nông thôn mới. Để nâng cao hiệu quả, đơn vị chú trọng khảo sát nhu cầu học, có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; triển khai mô hình đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế tại từng xã. Việc đào tạo nghề theo hình thức cầm tay chỉ việc là chính, giáo trình phù hợp với các học viên là người dân tộc thiểu số, lý thuyết kết hợp với thực hành và thời lượng thực hành là chủ yếu.
Nổi bật trong công tác đào tạo nghề tại huyện là dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động bằng hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Năm 2018, Trung tâm đã liên kết với Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đào tạo 140 lao động, trong đó có 121 học viên sau khi học xong được tuyển dụng với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Một trong những cách làm mang lại hiệu quả trong công tác đào tạo nghề là mô hình dạy nghề lưu động ở các xã vùng sâu, vùng xa. Trung tâm đã tổ chức các lớp đào tạo nghề tạo điều kiện cho người dân có kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã mở 10 lớp đào tạo nghề trồng và chăm sóc chè, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, mây tre đan, vận hành sửa chữa máy nông nghiệp, điện... cho 350 học viên là người dân tộc thiểu số tại các xã trên địa bàn (vượt 20% kế hoạch đề ra). Những học viên có nhu cầu sau khi kết thúc khóa học còn được hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất, mức vay trung bình từ 20 đến 50 triệu đồng/hộ.
Nhiều lao động là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa sau khi được học nghề đã phát triển nghề được học, đem lại thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo. Chị Lý Thị Đào, thôn Làng Quân, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) là một ví dụ. Trước đây cuộc sống gia đình chị ăn bữa nay, lo bữa mai. Từ năm 2017, khi được học và áp dụng thành công kiến thức từ lớp dạy nghề nuôi ong do huyện mở cho đối tượng thuộc diện hộ nghèo tại xã, cuộc sống gia đình chị đã thay đổi dần. Chị cho biết, trước đây gia đình đã thử nuôi ong nhưng chưa hiệu quả, bởi vậy, lớp học rất hữu ích, đã giúp chị và nhiều người dân trong xã biết hơn về kỹ thuật nuôi ong lấy mật, cách ghép, chia đàn. Sau khi học xong, chị được hỗ trợ 4 đõ ong giống, nhờ áp dụng đúng phương pháp, đến nay chị đã có 70 đõ ong thường xuyên cho mật. Vợ chồng chị còn trồng 50 gốc vải, nhãn và mở một cửa hàng tạp hóa. Thu nhập mỗi tháng của gia đình khoảng 9 triệu đồng, vào thời điểm thu hoạch mật có tháng đạt trên 20 triệu đồng.
Tại xã Mỹ Bằng, từ đầu năm đến nay có 6 lớp dạy nghề cho người dân được tổ chức, trong đó có 3 lớp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và 3 lớp do Trường Trung cấp Nghề Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Ông Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã cho biết, nhiều hộ diện tích đất rộng nên đã trồng các loại cây ăn trái, nhưng do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên cây sinh trưởng, phát triển kém. Khi biết có lớp nghề được mở tại xã họ đã tự nguyện đăng ký theo học và trên 83% học viên có việc làm sau khi học xong. Nhiều người đã xây dựng được các mô hình kinh tế điển hình như: Anh Nguyễn Tiến Dũng, thôn Ngòi duy trì thường xuyên khoảng 1.000 con gà, trừ chi phí mỗi năm anh thu lãi trên 60 triệu đồng; anh Lý A Vừ, thôn Mỹ Hoa mở cửa hàng xay xát, trồng và thu mua chè tươi, thu nhập gia đình anh mỗi năm đạt trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí... Nhờ vậy, số hộ nghèo trong xã đã giảm, hiện chỉ còn 2,9% hộ nghèo.
Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các cơ sở dạy nghề mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có thêm lựa chọn nghề phù hợp; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò quan trọng của việc học nghề trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.