Sốp Cộp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Ngay sau khi công bố dịch bệnh tả lợn châu Phi tái phát vào đầu tháng 6 tại xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh sự lây lan.

Anh Lò Văn Khiên, nhân viên thú y xã Púng Bánh, chia sẻ: Mấy ngày qua, tình hình dịch tả lợn châu Phi tại địa phương tái phát. Thực hiện sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và của địa phương, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với từng bản, giữ mối liên lạc với từng hộ nuôi lợn để nắm bắt tình hình, kịp thời phối hợp xử lý khi có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đoàn công tác của huyện Sốp Cộp kiểm tra tình hình dịch bệnh tại xã Púng Bánh.

Đoàn công tác của huyện Sốp Cộp kiểm tra tình hình dịch bệnh tại xã Púng Bánh.

Chị Lò Thị Pâng, bản Lầu, xã Púng Bánh, cho biết: Gia đình nuôi 7 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng. Cuối tháng 5, đàn lợn có dấu hiệu bỏ ăn rồi lần lượt 4 con lợn bị chết không rõ nguyên nhân. Gia đình đã tự chôn lợn chết tại nương của gia đình. Việc lợn bị mắc bệnh chết, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, khó khăn trong việc tái đàn.

Xã Púng Bánh triển khai giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Xã Púng Bánh triển khai giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Ông Tòng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Cuối năm 2022, huyện Sốp Cộp công bố hết dịch tả lợn châu Phi, đến nay lại tái phát. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn do vi rút gây ra. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, tỷ lệ chết rất cao. Bệnh xuất hiện đột ngột, thời gian ủ bệnh từ 4-19 ngày, ở thể cấp tính ủ bệnh 3-4 ngày. Biểu hiện đặc trưng là viêm xuất huyết tràn lan và thâm tím da phần lớn cơ thể của lợn. Khi mắc bệnh, lợn bỏ ăn, sụt cân, ủ rũ, sốt đột ngột, sốt cao, vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng xuất huyết có màu sẫm xanh tím, có con có biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy…

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp cấp thuốc tiêu độc khử trung cho xã Púng Bánh.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp cấp thuốc tiêu độc khử trung cho xã Púng Bánh.

Ngay sau khi địa phương có thông báo về hiện tượng lợn chết bất thường, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh, kiểm đếm lợn mắc bệnh. Tính đến hết ngày 6/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 2 hộ, thuộc 2 bản Lầu và Liền Ban, xã Púng Bánh, đã làm 8 con lợn chết, tổng trọng lượng trên 270 kg.

Ngăn chặn, khống chế dịch bệnh lây lan trên địa bàn, huyện đã công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Púng Bánh; khoanh vùng các khu vực có nguy cơ dịch bùng phát cao, gồm các xã: Dồm Cang, Sam Kha và Mường Lèo. Đồng thời, tiến hành cấp gần 300 lít hóa chất khử trùng, phun tại các vị trí có nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh, các khu vực chuồng nuôi. Chỉ đạo nhân viên thú y cơ sở bám nắm địa bàn, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng dịch, tiêu hủy đúng cách đối với lợn chết.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn thú y bản Bánh, xã Púng Bánh, pha thuốc tiêu độc khử trùng.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn thú y bản Bánh, xã Púng Bánh, pha thuốc tiêu độc khử trùng.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện nghiêm các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương, bất cứ khi nào phát hiện lợn bỏ ăn, nghi bị bệnh. Khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh. Tiến hành vệ sinh và tiêu độc khử trùng chuồng trại ít nhất 1 lần/tuần; không thải chất thải trực tiếp ra môi trường. Khi hộ nuôi nghi lợn mắc bệnh, cần phối hợp kịp thời với cơ quan chuyên môn lấy mẫu để xét nghiệm; tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn và các sản phẩm từ lợn của hộ chăn nuôi khi có dịch đúng quy định.

Thú y xã Púng Bánh phun thuốc tiêu độc khử trùng tại khu vực chăn nuôi lợn.

Thú y xã Púng Bánh phun thuốc tiêu độc khử trùng tại khu vực chăn nuôi lợn.

Hiện nay, loại vắc xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi không có trong chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân triển khai theo hướng xã hội hóa. Liên hệ với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh để tư vấn, hướng dẫn lựa chọn vắc xin đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Báo cáo UBND huyện bố trí ngân sách để chủ động tiêm phòng miễn dịch cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, những ngày tiếp theo nguy cơ dịch bệnh lây lan vào địa bàn các bản, xã lân cận là rất cao. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, bà con cần chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; không hoang mang, nhưng cũng không chủ quan, cần phối hợp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/sop-cop-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-ZUPopwsSR.html