Sốt xuất huyết 'đảo chiều', Hà Nội ghi nhận 442 ca trong 1 tuần

Chuyên gia nhận định dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn mọi năm, với diễn biến thất thường, miền Bắc có dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh.

Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 442 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần trước đó). Trong đó, huyện Thạch Thất có số lượng bệnh nhân nhiều nhất là 109; tiếp đến là quận Hoàng Mai có 35 bệnh nhân; quận Bắc Từ Liêm có 29 bệnh nhân; các huyện: Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín có 23 bệnh nhân; huyện Phú Xuyên và Thanh Oai có 20 bệnh nhân.

Ca mắc tăng

Do hiện nay chưa có vaccine, việc phòng bệnh sốt xuất huyết vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt. Ảnh minh họa

Do hiện nay chưa có vaccine, việc phòng bệnh sốt xuất huyết vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt. Ảnh minh họa

Từ năm 2023 tới nay, Hà Nội ghi nhận 1.556 ca mắc (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Cũng trong tuần qua, Hà Nội có thêm 19 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11 quận, huyện. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm có 3 ổ dịch; Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Oai, Đan Phượng, mỗi nơi có 2 ổ dịch; Thường Tín, Hà Đông, Phúc Thọ, Thạch Thất mỗi nơi có 1 ổ dịch.

CDC Hà Nội cho rằng, số mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây; một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, một số tồn tại như xử lý chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỷ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu...

Qua theo dõi, đánh giá, Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh năm nay có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống dịch đối mặt với nhiều khó khăn.

Diễn biến dịch "đảo chiều"

Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết, TS. Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương), cho biết, dịch sốt xuất huyết năm nay hiện có dấu hiệu “đảo chiều” so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó ở miền Bắc có dấu hiệu gia tăng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chu kì sốt xuất huyết thường là 4-5 năm có một đợt dịch lớn. Việt Nam vừa trải qua năm 2022 dịch sốt xuất huyết bùng nổ trên cả nước. Tuy nhiên, hiện nay quy luật này có dấu hiệu bị phá vỡ. Điều này có thể thấy rõ trong diễn biến dịch sốt xuất huyết của năm 2022 và 6 tháng đầu năm nay.

Ông Dũng lưu ý, không nên so sánh số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết năm nay so với năm 2022, vì năm 2022 là năm có tỉ lệ mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao đột biến ở Việt Nam.

“Như vậy có thể thấy diễn biến dịch sốt xuất huyết bây giờ diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kì nào cả”, TS. Dũng cho hay.

Theo vị chuyên gia này, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi của dịch sốt xuất huyết là do thời tiết. Dưới ảnh hưởng của Elnino và hiệu ứng nhà kính, thời tiết không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đang diễn biến rất thất thường.

“Miền Bắc năm nay nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi phát triển, khiến chu kì của muỗi rút ngắn. Thời gian từ trứng đến trưởng thành sẽ rút ngắn lại, khoảng 7-9 ngày. Khi vòng đời ngắn lại thì khả năng sinh sản sẽ nhiều hơn, tăng mật độ tiếp xúc với con người. Chỉ cần có nguồn bệnh là dịch sẽ bùng phát. Mùa đông hiện tại ở miền Bắc không lạnh như trước đây.

Do đó, chúng tôi dự báo trong thời gian tới sẽ có nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch”, TS. Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận.

Bệnh nhân không nên tự chuẩn đoán và điều trị

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu cần làm xét nghiệm máu khá đơn giản và cho kết quả nhanh trong vòng 1 vài giờ. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L.

Khi sốt xuất huyết, xét nghiệm công thức máu sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc). Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L.

“Theo khuyến cáo, nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh - rong huyết (ở nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng - màng phổi… khi đó cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường”, bác sĩ Cường cho hay.

Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm lưu ý người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên.

Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.

Hiện nay một số bệnh dịch khác vẫn còn (COVID-19, cúm, thủy đậu,...) nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết, có thể dẫn đến điều trị phác đồ sai, nguy hiểm đến tính mạng.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/sot-xuat-huyet-dao-chieu-ha-noi-ghi-nhan-442-ca-trong-1-tuan-post743755.html