Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, trẻ dễ gặp biến chứng nặng
Các triệu chứng sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em thường không điển hình như người lớn. Đáng lo ngại nhất vẫn là triệu chứng sốt cao không hạ, co giật.
Bộ Y tế cho biết thời gian qua dịch sốt xuất huyết đang tăng rất nhanh, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam, mỗi tuần ghi nhận trên 4.000 người mắc. Trong đó, có 9 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết nặng. Bộ Y tế dự báo trong năm 2022, sốt xuất huyết có thể diễn tiến xảy ra dịch lớn.
Trẻ nhập viện trong tình trạng nặng
Chị Cao Minh Huyền (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết trước đó không nghĩ con mình bị sốt xuất huyết, đến khi trẻ sốt cao 39-40 độ C liên tục, người mệt mỏi, mới cho bé đến bệnh viện. Tại bệnh viện, cháu bé được chẩn đoán huyết động học ổn định nhưng xét nghiệm ghi nhận men gan tăng cao hơn 8 lần so với bình thường. Sau nhập viện 3 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của cháu bé đã ổn định.
“Cháu sốt rất cao liên tục, quấy khóc và đau bụng. Ban đầu, tôi tưởng con bị sốt phát ban nhưng sau 2 ngày vẫn không đỡ nên đưa cháu vào viện. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt xuất huyết kèm rối loạn hệ tiêu hóa, men gan cao. Đến ngày thứ 6, con cắt sốt và đến giờ các ban đỏ đã lặn dần”, chị Huyền chia sẻ.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội, trung bình mỗi tuần, bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân nhập viện do mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em.
Hiện, bệnh viện điều trị nội trú cho 8 trường hợp sốt xuất huyết mức độ vừa. Theo các bác sĩ, triệu chứng sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ như sốt cao, sốt không hạ, trẻ lên cơn co giật.
Theo bác sĩ Đặng Khánh Ly, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đống Đa, các triệu chứng sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em thường không điển hình như người lớn. Đáng lo ngại nhất vẫn là triệu chứng sốt cao và dùng hạ sốt hầu như không hạ, bé cũng thường lên cơ co giật.
Một số bệnh nhân hay gặp ở những trẻ lớn thường có thêm các biến chứng như chảy máu cam, chảy máu răng, xét nghiệm tiểu cầu rất thấp. Có những trường hợp có thêm biểu hiện như bụng chướng, tràn dịch. Theo bác sĩ Ly, giai đoạn đó bệnh nhân rất mệt mỏi, kém ăn và cần theo dõi sát tránh các biến chứng không may xảy ra.
Cùng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Thái Bình, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa, cho biết nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng tâm lý e ngại tới viện nên tự điều trị tại nhà. Một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất là giảm tiểu cầu, gây ra tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu ở nhiều nơi gây ra xuất huyết não, trụy tim mạch, rối loạn đường tiêu hóa.
Đặc biệt, dịch Covid-19 vẫn đang lưu hành khiến cho rất nhiều người nhầm lẫn giữa Covid-19 và sốt xuất huyết. Do đó, bác sĩ khuyến cáo khi có biểu mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân nên đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán chính xác và theo dõi sát diễn biến bệnh.
“Bệnh nhân sốt 1,2 ngày đầu thì ở nhà chỉ nên uống nhiều oresol và dùng hạ sốt. Thứ hai, sốt cao phải kết hợp chườm mát và uống hạ sốt, đồng thời uống nhiều nước. Đi tiểu nhiều góp phần thải nhiệt ra sẽ đỡ sốt hơn.
Đến ngày thứ 4, bệnh nhân mới có biểu hiện thoát thoát dịch giãn bào, giảm tiểu cầu đe dọa sốt xuất huyết. Vì vậy, những ngày này nên đưa đến các bệnh viện để được khám và làm xét nghiệm máu, tránh để trẻ bị suy tạng, biến chứng”, bác sĩ Bình khuyến cáo.
Không chủ quan với dịch sốt xuất huyết
Theo bác sĩ Nguyễn Thái Bình, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng bọ gậy và phòng muỗi đốt trong nhà và khu sinh sống.
“Bệnh sốt xuất huyết là bệnh lây qua muỗi đốt. Do đó, nếu gia đình có người bị sốt xuất huyết thì mọi người trong gia đình nên tốt nhất nên ngủ mắc màn hoặc nên bôi thoa các loại kem chống muỗi đốt và hạn chế mặc quần áo ngắn để tránh bị muỗi đốt”, bác sĩ Bình chia sẻ.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân nên thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, đồng thời cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn điều trị khi có dấu hiệu sốt, không tự ý điều trị tại nhà.