Sốt xuất huyết tại Đắk Lắk có nguy cơ bùng phát diện rộng
Hơn một tháng trở lại đây, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại Đắk Lắk có xu hướng tăng mạnh với số ca mắc liên tục ghi nhận mỗi ngày. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời và đồng bộ từ các cấp, ngành và người dân.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân SXH.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.316 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có số ca mắc cao như: Khu vực Cư Mgar với 213 ca (tăng 1,8 lần), Buôn Ma Thuột 161 ca, Tuy An 96 ca… Đặc biệt, từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc tăng đột biến, cao điểm có ngày ghi nhận 20 - 25 ca.
Nguyên nhân khiến SXH gia tăng tại Đắk Lắk được xác định là do thời tiết bước vào mùa mưa - điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển và lây lan virus Dengue. Đây cũng là năm rơi vào chu kỳ đỉnh dịch 3 năm một lần (2019 - 2022 - 2025).
Ông Hoàng Hải Phúc- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk nhận định, dịch có nguy cơ bùng phát rất cao nếu ngành Y tế cơ sở không triển khai đồng loạt các biện pháp. Bên cạnh đó, ý thức phòng bệnh của người dân còn chủ quan. Nhiều nơi người dân phó mặc công tác phòng, chống cho ngành Y tế, chưa thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ loăng quăng. Ngành Y tế tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống SXH. Sở Y tế ban hành công văn chỉ đạo, xây dựng kế hoạch ứng phó dịch tại các trung tâm y tế khu vực, trạm y tế xã, phường ngay từ đầu mùa mưa; đồng thời, tổ chức điều tra, giám sát, truyền thông và xử lý dịch kịp thời.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu xây dựng kế hoạch tổng thể, chủ động phun hóa chất tại điểm dịch trọng yếu, đảm bảo cung ứng đầy đủ vật tư, hóa chất, thuốc men khi dịch bùng phát. Sau sáp nhập, các trung tâm y tế khu vực và trạm y tế xã, phường trực thuộc Sở Y tế đang duy trì hoạt động thường xuyên, đảm bảo triển khai đầy đủ hoạt động chuyên môn, đặc biệt, công tác phòng, chống dịch, ông Phúc thông tin.
Dù ngành Y tế chuẩn bị nhiều phương án ứng phó nhưng để kiểm soát hiệu quả bệnh SXH trong thời gian tới, vai trò người dân trong công tác vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi vẫn là yếu tố then chốt. Sự vào cuộc đồng bộ, thường xuyên và quyết liệt của chính quyền địa phương cùng ý thức tự phòng bệnh của người dân góp phần quan trọng trong việc khống chế dịch bệnh trên địa bàn.