Spotify bị nghi ngờ thiếu minh bạch tiền bản quyền

Một số ý kiến cho rằng Spotify đang ăn chia không đều từ bản quyền các cuốn sách nói. Một số người đang nỗ lực thúc đẩy nền tảng này chia sẻ thông tin nhiều hơn cho tác giả.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Epic Reads.

Ảnh minh họa. Nguồn: Epic Reads.

Spotify là một nền tảng streaming âm thanh được ra mắt từ năm 2006. Từ một kẻ vô danh, nền tảng này trở thành nhân tố thay đổi diện mạo của thị trường sách nói. Tuy nhiên, có nhiều thắc mắc xung quanh việc thông tin chi trả tiền bản quyền cho các tác giả đang thiếu minh bạch.

Từ chối cung cấp thông tin chi tiết tiền bản quyền

Theo Publisher Weekly, doanh thu từ sách nói đang trên đà tăng trưởng sau quý I năm 2024. Một số đơn vị kinh doanh sách chỉ ra rằng việc sự tham gia của Spotify là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự tăng trưởng này.

Robert Thompson, Giám đốc điều hành của công ty mẹ HarperCollins News Corp (HC), cho rằng Spotify đã góp phần nâng tầm cuộc chơi cho thị trường sách nói. Doanh số audiobooks tại nhà xuất bản tăng 14% trong quý tài chính gần đây nhất, chiếm một nửa doanh thu ấn phẩm kỹ thuật số của HC.

 Daniel Ek - CEO của Spotify. Ảnh: TTXVN.

Daniel Ek - CEO của Spotify. Ảnh: TTXVN.

Vào tháng 4, đại diện Spotify cũng khẳng định rằng các tác giả độc lập đã nhận được một khoản tiền từ việc sử dụng nền tảng Spotify. Dịch vụ bán sách nói Findaway Voices của Spotify cho thấy số tiền bản quyền của tác giả đã tăng 95% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, nền tảng này đã từ chối cung cấp chi tiết thông tin về số tiền bản quyền thực tế (sau thuế, các chi phí dịch vụ) và số tiền trước đó tác giả nhận được.

Sự mờ ám này khiến các nhà phát hành cảnh giác hơn với Spotify. Nhiều người đặt ra câu hỏi về cách thức chính xác Spotify định giá sản phẩm của các tác giả bán sách nói. Nhằm tìm kiếm câu trả lời về nhận thức của thính giả đối với vấn đề bản quyền, Hiệp hội các nhà sáng tạo nội dung (Coalition of Concerned Creators) đã thực hiện một khảo sát. Nghiên cứu kéo dài từ ngày 26/4 đến 10/5/2023, với 1.035 thính giả sử dụng sách nói trên Spotify.

Trước đó, tại Hội chợ sách London 2024, nhóm đã đem tới một tấm banner lớn ghi dòng chữ: "Đừng để Spotify làm với các tác giả những gì họ đã làm với các nhạc sĩ".

Dòng chữ của nhóm nghiên cứu đề cập tới vụ bê bối của Spotify cách đây 15 năm. Cụ thể, vào tháng 11/2009, giới báo chí Mỹ đã phát hiện bài hát "Poker Face" của Lady Gaga đã được phát trực tuyến một triệu lần trên Spotify. Nhưng nữ ca sĩ chỉ nhận được một khoản tiền hoa hồng bằng 167 USD (tương đương 3,9 triệu VNĐ).

Sự việc này đã gây ra làn sóng phản đối lớn từ những người làm việc trong ngành âm nhạc tại Mỹ. Một số ý kiến nêu việc các nghệ sĩ không được trả đúng giá trị cho sáng tác của họ là do cách phân chia thu nhập của Spotify, công ty này giữ lại một phần lợi nhuận quá lớn.

Nỗ lực thúc đẩy Spotify chia sẻ dữ liệu

Khảo sát của Hiệp hội các nhà sáng tạo nội dung được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một, những người tham gia sẽ trả lời dựa trên hiểu biết của họ. Giai đoạn hai, họ sẽ trả lời sau khi được cung cấp các thông tin về vấn đề Spotify chi tiền bản quyền cho tác giả từ các nguồn như New York Times, Publisher Weekly, Bloomberg, Bookseller Guardian.

Trong giai đoạn một, nghiên cứu chỉ ra rằng 57% số người được hỏi đã nghe ít nhất một cuốn sách nói miễn phí thông qua website hoặc Internet trong năm 2023. 54% đã mua sách nói, 52% nghe qua dịch vụ cần đăng ký, 47% trả tiền cho các dịch vụ này và 43% mượn qua ứng dụng thư viện.

Nghiên cứu tiếp tục đi sâu hơn vào vấn đề thù lao của tác giả sách nói trên Spotify. 50% người tham gia cho rằng đây là trách nhiệm của nền tảng streaming, 40% thấy nhà xuất bản, công ty phát hành là đơn vị sẽ chi trả và 10% còn cho rằng khoản phí này được tính cho thính giả.

 Bradley Tusk (tác giả cuốn sách The Fixer: My Adventures Saving Startups from Death by Politics) là người tài trợ chính cho nghiên cứu. Ảnh: Incmag.

Bradley Tusk (tác giả cuốn sách The Fixer: My Adventures Saving Startups from Death by Politics) là người tài trợ chính cho nghiên cứu. Ảnh: Incmag.

Bên cạnh đó, 50% người nghe sách nói được khảo sát đồng ý rằng họ "sẽ chỉ nghe sách nói thông qua các dịch vụ âm thanh phát trực tuyến, chẳng hạn Spotify hoặc Apple Music, nếu đã biết tác giả được trả tiền công bằng cho tác phẩm của họ”.

Tuy nhiên, sau khi biết những lo ngại về khoản bồi thường cho sách nói từ các nhà phát trực tuyến như Spotify, tỷ lệ phần trăm này đã tăng đáng kể ở giai đoạn hai. Tại giai đoạn này, 56% người nghe sách nói cho biết tác giả đang được trả tiền "không công bằng chút nào" cho sách nói trên các nền tảng Spotify. 48,8% cho biết những họ nghi ngại về việc sử dụng dịch vụ âm thanh như Spotify. 51,5% cho biết họ sẽ chỉ nghe các dịch vụ âm thanh phát trực tuyến như Spotify nếu họ biết tác giả được trả công công bằng cho tác phẩm của họ.

Hơn nữa, dịch vụ phát trực tuyến như Spotify đang tác động tiêu cực đến doanh số bán audiobooks. 42,3% người tham gia khảo sát cho biết họ đã mua ít sách nói hơn kể từ khi họ bắt đầu nghe trên Spotify. Bởi nơi đây có rất nhiều sản phẩm miễn phí.

Edison Research, đại diện nhóm nghiên cứu, nhận định: "Người nghe sách nói trên Spotify tham gia khảo sát trải qua một loại bất đồng về nhận thức khi phải đối mặt với những lo ngại xung quanh dịch vụ mà họ chọn sử dụng”.

Đại diện Hiệp hội Các nhà sáng tạo nội dung hy vọng rằng cuộc khảo sát sẽ thúc đẩy Spotify cung cấp “dữ liệu với các tác giả giống cách dữ liệu đã được chia sẻ với các nhạc sĩ trước đây” nhằm “giúp mọi bên liên quan hiểu rõ hơn về tính kinh tế của việc phát trực tuyến sách nói”.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/spotify-bi-nghi-ngo-thieu-minh-bach-tien-ban-quyen-post1480074.html