Sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới và cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam
'Giai đoạn 2022-2025 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thông thường', đây là thông tin được Amazon Global Selling đưa ra tại Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024' tổ chức ngày 27/6, tại Hà Nội.
Thương mại điện tử sẽ là từ khóa xuyên suốt trong giai đoạn tới
Tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết cán cân thương mại hiện đang xuất siêu, thậm chí có giai đoạn nhập siêu, dù vậy điều này không bất thường, song quan trọng là không tạo ra dao động quá lớn.
Về mặt thị trường, chiến lược cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu thị trường châu Âu đạt 17% kim ngạch xuất khẩu, còn châu Á đạt 50%, châu Mỹ đạt 32-22%... Song song đó, vẫn duy trì những mặt hàng xuất khẩu có lợi thế như: dệt may, da giày, tuy nhiên trong các mặt hàng đó phải thúc đẩy gia tăng giá trị.
Nhấn mạnh thêm, ông Hải cho rằng, việc mở rộng thị trường không chỉ bằng các phương tiện truyền thống như: tham dự hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương có thể phát triển thị trường thông qua nền tảng trực tuyến và các nền tảng Số, bên cạnh đó là phát triển logistics hỗ trợ cho xuất nhập khẩu.
“Thương mại điện tử sẽ là từ khóa xuyên suốt trong giai đoạn tới. Đặc biệt, thương mại bền vững không chỉ ở những con số mà còn thể hiện ở các chỉ tiêu khác, như sự tăng trưởng đồng đều, ổn định, đem lại giá trị cho các địa phương, vùng miền, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, không đánh đổi về mặt giá trị xã hội, giữ tài nguyên cho các thế hệ sau này, tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao,” ông Trần Thanh Hải cho hay.
Chia sẻ thêm với phóng viên Doanh nhân Việt Nam về kết quả xuất, nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Trần Thanh Hải đánh giá: “Kết quả xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm hiện nay vẫn là những con số rất khả quan, với mức tăng trưởng trung bình 2 con số, khoảng từ 14-16%, và chúng ta cũng đang duy trì mức xuất siêu khoảng từ 8 - 10 tỷ đô la Mỹ.
Về cơ cấu mặt hàng, nhóm hàng công nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn, khoảng trên 85%. Nhóm hàng nông sản dù chiếm tỷ trọng ít hơn nhưng có đà tăng trưởng thuận lợi, bao gồm cả nhóm hàng thủy sản, rau quả. Đặc biệt là chúng ta vẫn tiếp tục duy trì được những sản phẩm có lợi thế trong thời gian vừa qua như sầu riêng, thanh long…
Hy vọng tới đây khi tiếp tục thực hiện các nghị định thư mới từ phía Trung Quốc diễn thì sẽ có thể xuất khẩu được nhiều nông sản hơn nữa”.
Việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐTXBG) sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ xát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.
Mới nhất, theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam” vừa được Amazon công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,3 tỷ USD) trong năm 2021. Dự kiến, B2C của Việt Nam sẽ đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026. Báo cáo này nhận định, nếu coi “thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu thì đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Những ngành hàng tiềm năng và sự chuẩn bị của doanh nghiệp
Thống kê của Amazon Global Selling cho thấy, trong giai đoạn 2022-2025 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thông thường. Dự báo từ năm 2020-2027, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới hàng năm sẽ đạt 28,4%, riêng Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, giai đoạn 2021-2026 tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 20%.
Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling thông tin, tính đến tháng 8/2023 đã có hơn 17 triệu sản phẩm từ Việt Nam được bán ra trên sàn thương mại điện tử Amazon, doanh thu của nhà bán hàng trong năm 2023 tăng trưởng trên 50%, điều này cho thấy hiệu quả của các nhà bán hàng từ Việt Nam.
Đề cập đến những sự hỗ trợ của Amazon với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, ông Toàn chia sẻ: “Trước hết, khi nói đến Amazon thì chúng ta phải nhìn nhận bản thân Amazon là một nguồn lực toàn cầu, mở rộng ra cho tất cả các nhà bán hàng trên toàn cầu. Với các doanh nghiệp ở Việt Nam thì trong quá trình phát triển từ năm 2019 đến nay, chúng tôi cũng liên tục đón nhận những nhà bán hàng tham gia vào cuộc chơi toàn cầu này.
Hiện tại Amazon đang hoạt động trên 26 thị trường trên toàn cầu và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia được việc cung ứng hàng hóa đến hơn 200 thị trường cũng như vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Hiện tại, nói về Amazon là nói đến hàng trăm triệu khách hàng trên toàn cầu.
Điểm thứ hai, Amazon là một công ty về TMĐT nhưng cũng là một công ty công nghệ hạ tầng trên thế giới, chúng tôi liên tục có những giải pháp về công nghệ cũng như về hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Việt Nam, các nhà bán hàng toàn cầu có thể thực hiện được tất cả quy trình trong bán hàng. Bao gồm các công cụ, data (dữ liệu) để hỗ trợ nhà bán hàng có thể tìm hiểu được đâu là nhu cầu của thị trường, mục tiêu cũng như là ngách hàng hay ngành hàng có thể tham gia được. Đồng thời, những công cụ về mặt kỹ thuật số để chúng ta có thể ngồi tại Việt Nam và quản lý gian hàng của mình trên toàn cầu.
Điểm thứ ba là công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp đăng ký được thương hiệu, để không những cung cấp hàng hóa mà có thể xây dựng được thương hiệu toàn cầu, gia tăng giá trị hàng hóa cũng như giá trị của bản thân doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng”
Đánh giá về một ngành hàng tiềm năng Việt Nam có nhiều ưu thế để đưa ra toàn cầu thông qua TMĐTXBG, ông Toàn cho biết, những sản phẩm của Việt Nam không ngừng phát triển trên nền tảng Amazon, về cả chất và lượng. Các sản phẩm mũi nhọn có lợi thế trong xuất khẩu, tiêu biểu như ngành hàng về nhà cửa, may mặc, vật dụng nhà bếp.
“Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong 2 năm vừa qua là có sự chuyển biến rất mạnh mẽ của những ngành hàng về chăm sóc sức khỏe cá nhân, làm đẹp và chăm sóc thú cưng. Có thể thấy nhà sản xuất cũng như đối tác bán hàng đến từ Việt Nam luôn luôn có sự nhanh nhạy trong nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường trên thế giới, thông qua đó có thể tạo ra được hàng hóa phù hợp với nhu cầu của thị trường và liên tục có sự tăng trưởng, không chỉ là về số lượng mà còn về các ngành hàng.
Để nâng cao được năng lực cạnh tranh, xây dựng được thương hiệu toàn cầu, ông Toàn cho biết doanh nghiệp đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) đào tạo khoảng 10.000 nhân lực cho các doanh nghiệp về thương mại điện tử xuyên biên giới trong vòng 5 năm nhằm nâng cao kỹ năng bán hàng, đồng thời Amazon cung cấp các giải pháp để doanh nghiệp có thể đăng ký và bảo hộ được thương hiệu cũng như có những công cụ giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu ngay trên nền tảng này.
“Kinh nghiệm từ những thương hiệu lớn cho thấy cần bán những sản phẩm mà khách hàng cần, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa để đạt được tiêu chuẩn của thị trường cũng như tập trung xây dựng thương hiệu ngay từ đầu để tiến tới một nền tảng kinh doanh lâu dài," ông Phạm Khắc Toàn khuyến nghị thêm.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào TMĐTXBG vẫn tồn tại những bất cập đối với các doanh nghiệp Việt Nam như: thông tin, năng lực, chi phí, quy định...
Báo cáo của Amazon cho biết, 80% doanh nghiệp cho rằng thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; 85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu; 81% doanh nghiệp thừa nhận chưa được chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài. Và đặc biệt là câu chuyện chính sách để có thể xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.
Về vấn đề này, đại diệnAmazon Global Selling cho hay, khi tiếp xúc với doanh nghiệp thì điều đầu tiên gặp khó là nguồn nhân lực. Điểm tiếp theo là logistics. Bởi TMĐTXBG về bản chất là hoạt động xuất nhập khẩu xuyên biên giới, những chi phí liên quan ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động. Vậy nên việc gia tăng năng lực cạnh tranh để gia nhập tốt hơn sân chơi thế giới là điều cần phải chú ý.
"Một yếu tố chúng tôi nghĩ cũng rất quan trọng là làm sao để có hướng dẫn một cách cụ thể chính sách và chủ trương thương mại điện tử đến tất cả doanh nghiệp. Vì dù sao đây cũng là một lĩnh vực mới và hầu hết những doanh nghiệp tham gia là vừa và nhỏ, mà những năng lực để tìm hiểu về pháp lý và triển khai được rất quan trọng", ông Toàn đề xuất.