Sự chủ động của Việt Nam với việc tham gia cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
Việt Nam chính thức gia nhập Liên hiệp quốc (LHQ) ngày 20-9-1977. Ngay từ khi gia nhập tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất này, Việt Nam luôn thể hiện sự chủ động, tích cực trong việc tham gia các cơ chế thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Trên lĩnh vực quyền con người, sự tham gia của Việt Nam với cơ chế dựa trên hiến chương được thể hiện ở hai vai trò là thành viên tham gia các cơ chế về quyền con người và là quốc gia thành viên của LHQ.
Việt Nam chính thức gia nhập Liên hiệp quốc (LHQ) ngày 20-9-1977. Ngay từ khi gia nhập tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất này, Việt Nam luôn thể hiện sự chủ động, tích cực trong việc tham gia các cơ chế thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Trên lĩnh vực quyền con người, sự tham gia của Việt Nam với cơ chế dựa trên hiến chương được thể hiện ở hai vai trò là thành viên tham gia các cơ chế về quyền con người và là quốc gia thành viên của LHQ.
Kể từ sau thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã chủ động tăng cường sự tham gia vào nhiều hơn vào cơ chế về quyền con người của LHQ. Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021); là thành viên của ECOSOC (nhiệm kỳ 1998-2000 và nhiệm kỳ 2016-2018, là thành viên của Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016 và mới đây là nhiệm kỳ 2023-2025). Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên, Việt Nam đã có đóng góp tích cực cho một số hoạt động của Hội đồng Nhân quyền như tham gia xây dựng các nghị quyết của Hội đồng về các vấn đề quan tâm về quyền con người với tư cách là tác giả, đồng tác giả, là quốc gia gia ủng hộ, thảo luận và bỏ phiếu thông qua các nghị quyết về quyền con người.
Trước đó, ngay từ khi gia nhập với tư cách là quốc gia thành viên của LHQ, Việt Nam đã coi trọng và chủ động thực hiện nghĩa vụ đối với Hội đồng Nhân quyền. Kể từ năm 1998, Việt Nam đã hợp tác với cơ chế thủ tục đặc biệt của Hội đồng bằng việc cho phép các chuyên gia độc lập, báo cáo viên đặc biệt thực hiện 8 chuyến công tác đến Việt Nam để tìm hiểu về các vấn đề quyền con người như: tự do tôn giáo (lần 1 năm 1998 và lần 2 năm 2014), dân tộc thiểu số, nghèo cùng cực, nợ nước ngoài của các quốc gia đang phát triển, quyền sức khỏe, quyền văn hóa và quyền về lương thực.
Trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục tham gia ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Theo đó, chúng ta được các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Với số phiếu cao, vừa qua, Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống LHQ trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là minh chứng rõ rệt cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao. Theo đó, ưu tiên của Việt Nam là sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh...
Đối với tiến trình UPR, Việt Nam đã tham gia thực hiện ba chu kỳ rà soát định kỳ. Tính đến hết chu kỳ rà soát lần thứ ba, Việt Nam đã nhận được tổng số 428 khuyến nghị từ 109 quốc gia, trong đó Việt Nam tuyên bố chấp nhận 314 khuyến nghị. Sau khi nhận được các khuyến nghị, Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động thực hiện khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền. Kế hoạch Tổng thể thực hiện các Khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam đã chấp thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1974/QĐ-TTg ngày 31-12-2019, trong đó nêu rõ với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, cơ quan chỉ trì thực hiện, cơ quan phối hợp và thời gian thực hiện khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền.
Vừa qua, vào ngày 22-10-2021, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế tham vấn về dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát UPR chu kỳ III của Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III để gửi lên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia xây dựng báo cáo này. Điều này đã thể hiện trách nhiệm của chúng ta khi là quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung. Ngoài ra, kinh nghiệm của Việt Nam trong tham gia hiệu quả cơ chế UPR được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là việc ban hành các kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị qua các chu kỳ. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thảo tham vấn lần thứ hai về dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ động trong việc tham gia cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người dựa trên điều ước. Hiện nay, Việt Nam là thành viên 7/9 điều ước cốt lõi về quyền con người gồm: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR), gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966, gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, ký kết ngày 29-7-1980, phê chuẩn ngày 17-2-1982; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969, gia nhập ngày 9-6-1982; Công ước về Quyền Trẻ em năm 1989, ký kết ngày 26-1-1990, phê chuẩn ngày 28-2-1990 và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang (ký kết ngày 8-9-2000, phê chuẩn ngày 20-12-2001) và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm (ký kết ngày 8-9-2000, phê chuẩn ngày 20-12-2001); Công ước về Quyền của Người khuyết tật năm 2006, ký ngày 22-11-2007 và phê chuẩn ngày 5-2-2015; Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, ký ngày 7-11-2013 và phê chuẩn ngày 5-2-2015. Theo đó, hai công ước còn lại mà Việt Nam chưa phê chuẩn là Công ước về Quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ; Công ước về Chống cưỡng bức mất tích.
Để thực hiện nghĩa vụ pháp lý của một quốc gia thành viên đối với các công ước, trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động thực hiện cam kết và nghĩa vụ mình thông qua việc đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực quyền con người; thực thi các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền con người; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nội dung công ước; soạn thảo và đệ trình báo cáo quốc gia định kỳ về việc thực hiện công ước; hợp tác quốc tế trong việc thực hiện công ước; xây dựng các chương trình quốc gia để thực hiện những cam kết quốc tế về quyền con người.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các khuyến nghị của một số cơ quan giám sát việc thực hiện quyền con người của LHQ trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là phương thức thực hiện khuyến nghị chủ yếu và trực tiếp nhất mà Việt Nam đang triển khai áp dụng đối với khuyến nghị của các ủy ban công ước.