Sự cố tàu ngầm cho thấy điều gì về chiến lược của Lầu Năm Góc ở Biển Đông?
Tàu Mỹ USS Connecticut, tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Seawolf, hôm 2/10 va chạm với một vật thể không xác định dưới nước.
Hải quân Mỹ nói rằng vụ va chạm xảy ra trong khi tàu ngầm Mỹ đang "hoạt động trong vùng biển quốc tế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Các quan chức quốc phòng Mỹ sau đó tiết lộ vụ việc diễn ra ở Biển Đông. Vụ va chạm khiến hai thủy thủ bị thương ở mức độ trung bình trong khi một số thủy thủ bị thương nhẹ và bầm tím.
Nhiều sự trùng hợp
Theo các chuyên gia quốc phòng Marta De Paolis và Arnaud Sobrero, một điều thú vị là vụ va chạm xảy ra chỉ vài tuần sau thỏa thuận AUKUS giữa Anh, Australia và Mỹ về công nghệ tàu ngầm. Sobrero nhấn mạnh: “Điều này cho thấy tầm quan trọng của các tàu ngầm và việc Mỹ sẵn sàng nghĩ đến một sự hiện diện tích cực hơn ở Biển Đông như thế nào”.
Hơn nữa, vụ va chạm bí ẩn của USS Connecticut ở Biển Đông xảy ra cùng thời điểm với các cuộc tập trận quân sự chung của các tàu sân bay Mỹ và Anh. Ngoài ra còn có sự tham gia của Nhật Bản, Canada, Hà Lan và New Zealand.
Vào ngày 2/10 và ngày 3/10, tổng cộng 17 tàu chiến mặt nước của 6 nước tham gia cuộc tập trận chung ở khu vực ngoài khơi bờ biển phía Tây Nam Okinawa, theo Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF). Báo Nhật Bản Sankei Shimbun "thẳng thừng" tuyên bố rằng các cuộc tập trận là nhằm "kiềm chế" Trung Quốc.
Trong khi đó, căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang: Gần đây có thông tin cho rằng Mỹ đã bí mật duy trì một đội ngũ đặc nhiệm và lính thủy đánh bộ tại Đài Loan trong ít nhất một năm. Hai nhà lập pháp trong ủy ban an ninh quốc gia Mỹ thừa nhận không hề hay biết về việc Mỹ triển khai quân đội ở Đài Loan, theo Politico.
Thông tin nhạy cảm
Theo chuyên gia, xem xét căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong thời gian dài, việc Mỹ không công bố tin tức về vụ va chạm ngay có thể là "nhằm duy trì hoạt động an toàn và vì biết rằng một vụ tai nạn như vậy có thể làm xấu đi tình hình địa chính trị hiện tại giữa hai nước”.
Arnaud Sobrero cho rằng, cần nhìn sự việc trong bối cảnh rộng hơn: thứ nhất, vụ việc báo hiệu rằng Mỹ vận hành tàu ngầm ở Biển Đông; thứ hai, USS Connecticut là một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân "được trang bị và có khả năng giám sát tối tân".
"Dù tàu đang thực hiện loại nhiệm vụ nào, tôi nghĩ điều quan trọng là không được tiết lộ vị trí", ông nói. "Nên đó có lẽ là một trong những lý do tại sao có sự chậm trễ trong việc thông báo sự việc".
Các phương tiện truyền thông dẫn lời quan chức Hải quân Mỹ rằng họ không cho rằng Trung Quốc đã gây ra vụ va chạm. Bên cạnh đó, dù không rõ vật thể nào đã đâm vào tàu USS Connecticut, nhưng đó không phải là một tàu ngầm khác.
Các quan chức Mỹ chỉ rõ rằng tàu Connecticut đã trở lại mặt nước "bằng sức của chính nó".
"Đây không phải là lần đầu tiên một vụ va chạm xảy ra giữa tàu ngầm và một vật thể lớn hơn", Sobrero nhắc đến vụ va chạm năm 2009 giữa hai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Pháp và Anh.
Chiếc HMS Vanguard và Le Triomphant va chạm trong đêm 3 và 4/2/2009. Hai tàu ngầm bị "hư hỏng nặng" mặc dù tiếp xúc ở tốc độ thấp nhưng không có ai báo cáo bị thương.
Theo chuyên gia, điều đáng chú ý trong vụ việc liên quan đến tàu USS Connecticut là có một số thương tích, trái ngược với sự cố năm 2009, cho thấy "vụ va chạm khá dữ dội và cấu trúc trong tàu ngầm có khả năng bị hư hại".
Điều này cũng có nghĩa là vật thể va chạm với tàu hoặc chính tàu ngầm đang di chuyển với tốc độ lớn. Mặt khác, các tàu ngầm thường rất im lặng và hoạt động ở chế độ tàng hình. Tất cả điều này cho thấy vẫn có khả năng vật thể không xác định là một tàu ngầm khác.
Không rõ liệu Mỹ có tiết lộ những gì thực sự xảy ra vào ngày hôm đó trên Biển Đông hay không.
De Paolis cho rằng Washington có khả năng sẽ cân nhắc ưu và nhược điểm trước khi đưa ra quyết định. Nhưng dù điều gì đã xảy ra với USS Connecticut, "Mỹ sẽ phải sửa chữa và tốn chi phí cho các nhà máy đóng tàu".