Sự 'đồng tâm' của các đạo luật

'Nhà làm luật, bên cạnh việc tìm ra sự vênh lệch và làm cho các dự luật được thống nhất hài hòa, chắc cũng nên xây dựng các nguyên tắc, chính sách, để các đạo luật tuy luôn thay đổi song chúng cần đồng tâm'. Đề xuất của TS. Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam, tại hội thảo tham vấn ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều qua, có thể là một gợi mở quan trọng nhằm bảo đảm sự nhất quán của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung, chứ không phải chỉ riêng chính sách pháp luật về đất đai.

Các quy định liên quan tới đất đai hiện nằm rải rác ở hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật. Cũng trong một tọa đàm về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức gần đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Luật Đất đai năm 2013 liên quan đến… 186 luật khác. Rất khó để bảo đảm sự “dọc ngang thông suốt” của các quy phạm về đất đai trong chừng đó văn bản luật. Trên thực tế, các quy định mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai và đạo luật khác, đã “làm khó”, “làm khổ” cả cơ quan quản lý, cán bộ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho nguồn lực đất đai chưa được quản lý và khai thác hiệu quả trong thời gian qua; đồng thời “tạo dư địa” cho các hành vi tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực đất đai.

Từ thực tế đó, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra trong tiến trình sửa đổi toàn diện Luật Đất đai là rà soát các nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất và có phương án xử lý phù hợp để tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chính phủ đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (chứ không phải với Luật Đất đai hiện hành). Chưa tính phụ lục, Báo cáo rà soát đã dài tới gần 70 trang giấy A4, cho thấy mối quan hệ giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các đạo luật khác cũng… phức tạp không kém so với Luật Đất đai hiện hành.

Cụ thể, Chính phủ đã rà soát 112 bộ luật, luật có mối quan hệ với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (tương ứng với đó là hàng nghìn điều luật); trong đó có 88 bộ luật, luật có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai và 24 luật không có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai nhưng có ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất. Kết quả cho thấy có 22 bộ luật, luật có quy định vướng mắc, chồng chéo với các quy định dự Luật Đất đai (sửa đổi).

Giả sử kết quả rà soát này là đúng và đủ thì như TS. Phạm Duy Nghĩa nói, đây “cũng chỉ là một bức tranh tĩnh, chụp được sự giao thoa của các luật liên quan đến nhà đất vào một khoảnh khắc”. Còn trong thực tế, tất cả 112 đạo luật, cùng văn bản hướng dẫn, cách tiếp cận và diễn giải của công chức ngành và địa phương, hết thảy đều có thể thay đổi theo thời gian, theo nhiệm kỳ của chính quyền. Pháp luật liên quan đến nhà đất, 112 luật hoặc nhiều hơn nữa, luôn thay đổi, và vì vậy sự vênh lệch giữa chúng e là rất tự nhiên.

Chính phủ đã đề xuất hướng xử lý mối quan hệ chồng chéo giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các đạo luật khác bằng việc bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật; trong đó phân loại các nhóm quan hệ thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, nhóm quan hệ thực hiện theo quy định của luật khác. Tại hội thảo hôm qua, các ý kiến đã đề xuất thêm phương án nhằm bảo đảm đồng bộ của hệ thống các quy định liên quan đến nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhìn rộng hơn, TS, Phạm Duy Nghĩa cho rằng, bên cạnh việc tìm ra sự vênh lệch và làm cho các dự luật được thống nhất hài hòa, các nhà làm luật nên xây dựng các nguyên tắc, các chính sách, để các đạo luật tuy luôn thay đổi song chúng cần đồng tâm. Đồng thời, cũng nên nghĩ đến việc xây dựng nguyên tắc xử lý sự vênh lệch giữa các đạo luật “bởi nếu có bằng phẳng trên giấy, song sự vênh lệch rất có thể xuất hiện trong quá trình thực thi”.

Đề xuất của vị chuyên gia này là một gợi mở quan trọng, có thể giúp bảo đảm sự nhất quán của chính sách, sự thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, từ đó tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ và thông suốt để kiến tạo phát triển bền vững đất nước.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/su-dong-tam-cua-cac-dao-luat-i307726/