Sự đồng thuận của người dân qua Chỉ số PAPI
Trong đợt công bố mới đây của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) năm 2024, Bình Dương đạt tổng điểm 45,39, đứng hạng 9 trong cả nước. Điều đáng lưu ý là người dân khen ngợi, cảm nhận rất tốt về các chỉ số thành phần quản trị điện tử; công khai, minh bạch; cung ứng dịch vụ công; giải quyết thủ tục hành chính công; tham gia của người dân ở cấp cơ sở…

Người dân phường Bình An, TP.Dĩ An tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số
Người dân tham gia, đồng thuận
Thời gian qua, MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, nhất là công khai, minh bạch, lấy ý kiến góp ý của nhân dân về các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đây là một nội dung quan trọng để MTTQ các cấp tiếp tục tăng cường vai trò giám sát xã hội, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với các cấp chính quyền nhằm tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Từ kết quả công bố có thể nhìn nhận, trong năm 2024, tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền cho người dân quan tâm, nắm bắt và tham gia nhiều hơn vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của địa phương. Nhiều nguồn lực được tập trung cho hệ thống y tế cơ sở đã góp phần cải thiện Chỉ số nội dung về “cung ứng dịch vụ công”. Các chỉ đạo quyết liệt về cải cách thủ tục hành chính đã đem đến những kết quả rõ nét.
Tỷ lệ người dân truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia để tìm hiểu về các thủ tục hành chính thuộc mức cao nhất cả nước. Cảm nhận của người dân và khuyến nghị chính quyền các tỉnh, thành phố, trong đó có Bình Dương là cần quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, các thủ tục hành chính để người dân tiếp cận được nhiều thông tin, nhất là hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Bà Phan Ngọc Nữ, ngụ ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên chia sẻ: “Ở địa phương, người dân được tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhất là công tác chuyển đổi số, số hóa hồ sơ để mọi người dân làm được TTHC tại nhà”. Còn ông Nguyễn Huy Phong, người dân tại chợ Dĩ An 2, phường Dĩ An, TP.Dĩ An, cho biết: “Thời gian qua, người dân được hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt VNelD, đăng ký chữ ký số miễn phí, các phần mềm hữu ích thanh toán trực tuyến tích hợp trên điện thoại thông minh rất tiện ích. Các hình thức này đã giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, vừa bán hàng vừa thực hiện được những TTHC cơ bản trên điện thoại như đăng ký hộ kinh doanh, lưu trú. Chúng tôi đánh giá cao các mô hình hay của cơ sở, nhất là cán bộ phường đã đến từng tổ, các chợ truyền thống tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng AI vào đời sống hàng ngày; tuyên truyền phòng tránh các rủi ro, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho người dân”. Sự tham gia, đồng thuận của người dân ở cấp cơ sở vào bộ máy hệ thống chính trị là rất quan trọng. Dân đồng thuận thì mọi việc sẽ thành công.
Từ kết quả của Chỉ số PAPI cho thấy chính quyền địa phương đã xử lý phản ánh tốt ngay sau khi nhận được thông báo của người dân. Đặc biệt, Chỉ số PAPI ghi nhận nỗ lực lớn của chính quyền tỉnh trong việc tiếp tục phát huy thế mạnh nhiều năm trước về các điểm số liên quan đến quản trị điện tử (đạt 4,06 điểm); công khai, minh bạch (5,88 điểm); cung ứng dịch vụ công (7,76 điểm); thủ tục hành chính công (7,40 điểm)…
Hướng về nhân dân
Mục đích cuối cùng của Chỉ số PAPI là đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh trong việc phục vụ nhân dân. Từ báo cáo Chỉ số PAPI cũng cho thấy chính quyền các tỉnh, thành cần lưu ý quan tâm thực hiện các quy định của Luật Tiếp cận thông tin mới, nhất là tiếp cận thông tin về đất đai, tập trung nâng cao chất lượng của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, cũng như thực hiện tốt việc lấy ý kiến người dân cho các dự án xây mới hoặc tu sửa các công trình công cộng.
Nội dung này Bình Dương thực hiện tốt trong suốt thời gian qua. Tỉnh cũng đã thành công trong kiểm soát tham nhũng ở khu vực công; trong chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt các nội dung của Chỉ số PAPI, nhất là lĩnh vực kiểm soát tham nhũng, việc công khai minh bạch các chính sách đến với nhân dân.
Từ đó, người dân quan tâm, nắm bắt và tham gia nhiều hơn vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của địa phương, nhiều nguồn lực được tập trung cho hệ thống y tế, giáo dục cơ sở. Với quyết tâm tạo ra sự thay đổi tích cực, hiệu quả trong việc công khai, minh bạch thông tin, đáp ứng “quyền được biết” của người dân về chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống và sinh kế của họ, các cấp chính quyền đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở các nội dung: Tiếp cận thông tin; công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; công khai, kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất ở địa phương…
Các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc với người dân để nắm bắt và giải quyết sớm hơn nhiều vấn đề bức xúc của người dân, nâng cao sự tín nhiệm, niềm tin của người dân vào các cơ chế tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của chính quyền các cấp…
Chỉ số PAPI năm 2024 là kết quả khảo sát 18.894 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các kết quả phân tích từ trải nghiệm và đánh giá của người dân thể hiện qua các trục nội dung của Chỉ số PAPI sẽ là kênh thông tin quan trọng không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở, mà còn là căn cứ cho hệ thống chính quyền các cấp, các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn...
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/su-dong-thuan-cua-nguoi-dan-qua-chi-so-papi-a346641.html