Sự khan hiếm đồng đô la đang đẩy nhiều quốc gia châu Phi rơi vào khủng hoảng
Việc thiếu hụt đồng đô la đang gây ra áp lực trên nhiều mặt ở các quốc gia khắp châu Phi.
Trong bối cảnh thiếu hụt tiền tệ mạnh trên lục địa, các chính phủ châu Phi đang chuyển sang trao đổi hàng hóa, phá giá tiền tệ, kiểm soát tỷ giá hối đoái của ngân hàng trung ương và nhận sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Trung Đông để củng cố đồng nội tệ.
Những quốc gia có nỗ lực tăng cường thanh khoản bằng đồng đô la đang thu hút nhà đầu tư trở lại, ngược lại với những quốc gia không có đủ dự trữ để trang trải chi phí nhập khẩu hoặc trả nợ. Các loại tiền tệ của châu Phi là những đồng tiền có diễn biến tệ nhất trên thế giới trong năm nay, với khoảng chục đồng tiền giảm ít nhất 15% so với đồng đô la.
Sự thiếu hụt đồng đô la được thể hiện rõ nhất thông qua diễn biến của các đồng nội tệ ở các quốc gia châu Phi. Các quốc gia phát hành Eurobond (trái phiếu quốc tế có mệnh giá bằng đơn vị tiền tệ không có nguồn gốc từ quốc gia nơi chúng được phát hành) bị buộc phải phá giá trong năm nay bao gồm Ai Cập, Nigeria và Angola. Dòng vốn vào suy giảm cũng khiến đồng shilling của Kenya và đồng kwacha của Zambia suy yếu đến mức thấp kỷ lục so với đồng bạc xanh.
Trái phiếu bằng đồng đô la của Kenya đã khiến các nhà đầu tư lỗ 2,1% kể từ đầu tháng 7, trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ bắt đầu tăng do câu chuyện lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn” và cao hơn so với mức lỗ trung bình 1,7% đối với các trái phiếu ở thị trường mới nổi và cận biên trong chỉ số trái phiếu chính phủ bằng đồng đô la của Bloomberg. Chỉ số chứng khoán của Kenya đã giảm 32% vào năm 2023, mức giảm mạnh nhất trong số 92 thị trường toàn cầu được Bloomberg theo dõi, trong khi đồng shilling của nước này giảm 19%.
Ở Zambia, Mozambique và Nigeria, việc không thể tiếp cận nguồn tài chính nước ngoài đã buộc các chính phủ phải tăng cường phát hành trái phiếu trong nước tại các thị trường nông thôn, đẩy chi phí vay lên cao. Một số quốc gia châu Phi đã bị loại khỏi thị trường vốn quốc tế kể từ tháng 4/2022.
Trái phiếu phát hành bằng đồng naira có kỳ hạn dài nhất của Nigeria đang giao dịch ở mức lợi suất kỷ lục 18%. Nhưng lợi suất trong nước cao hơn không thu hút được người mua nước ngoài, vì họ lo lắng về việc đồng nội tệ mất giá và khó khăn trong việc chuyển tiền về nước. Tại Zambia, tỷ lệ nắm giữ nợ trong nước của nước ngoài đã giảm từ 29% vào cuối năm 2021 xuống còn khoảng 22% hiện nay, một phần do quá trình tái cơ cấu cũng như vấn đề thanh khoản.
Giải cứu từ IMF
Trong một số trường hợp, IMF đang thực hiện giải cứu các quốc gia châu Phi. Tuần trước, IMF cho biết sẽ mở rộng gói tài trợ cho Kenya thêm 938 triệu USD để tăng cường dự trữ ngoại hối, trước kỳ hạn trái phiếu Eurobond quy mô 2 tỷ USD đáo hạn vào tháng 6/2024. Điều này khiến lợi suất trái phiếu năm 2024 giảm gần 200 điểm cơ bản trong tuần qua, mặc dù vẫn ở mức trên 14%.
Lars Krabbe, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Coeli Frontier Markets cho biết: “Nhận thức chung là khi trái phiếu của một quốc gia giao dịch với lợi suất USD trên 10% thì họ không thể phát hành trên thị trường USD… Điều này tất nhiên là không tốt cho môi trường đầu tư chung và tính bền vững nợ ở những quốc gia này và khiến họ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ưu đãi như các khoản vay của IMF”.
Mặt khác, các quốc gia có nhu cầu ngoại hối ít cấp bách hơn đang trở nên hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư hơn.
Ai Cập là một trong số đó. Các chiến lược gia của Citigroup là những người mới nhất có quan điểm lạc quan về trái phiếu bằng đô la của Ai Cập, khi doanh số bán tài sản nhà nước tăng lên và chính phủ dường như đang trên đà đạt được các mục tiêu do IMF đặt ra. Trái phiếu Eurobond của Ai Cập đã mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận 8,7% trong nửa cuối năm nay tính theo đồng đô la, hấp dẫn hơn nhiều so với mức lợi nhuận âm mà các quốc gia đang phát triển theo chỉ số tín dụng quốc gia của Bloomberg mang lại.
Kaan Nazli, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Neuberger Berman Asset Management cho biết, các nhà đầu tư có thể ưu tiên các tổ chức phát hành là các chính phủ có khả năng tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài chính thay thế, như Bờ Biển Ngà và Sénégal.
Mặt khác, tình trạng thiếu hụt đồng đô la cũng đang gây tổn hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp địa phương khi chi phí nhập khẩu tăng cao và góp phần thúc đẩy lạm phát.
Tại Nigeria, giá thuốc theo toa điều trị các bệnh như tăng huyết áp và tiểu đường đã tăng gấp ba lần trong năm qua. Một trong những nhà bán lẻ lớn nhất của Zimbabwe cho biết doanh số bán hàng hiện đang ở dưới mức hòa vốn do chi phí tăng và tỷ giá hối đoái tăng cao đã đẩy khách hàng đến khu vực phi chính thức. Và ở Malawi, giá ngô, loại lương thực chủ yếu đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua.
Sonu Varghese, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại Carson Group cho biết: “Vấn đề là chúng ta chỉ có thể làm được rất ít điều nếu không có một lượng dự trữ đô la khổng lồ. Đối với các nhà đầu tư, nguy cơ các quốc gia này vẫn bên bờ vực khủng hoảng vẫn chưa biến mất”.