Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua
EU áp thuể bổ sung với xe điện nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc, điều tra nền tảng thương mại điện tử Temu, giá vàng thế giới liên tục phá đỉnh... là một số sự kiện kinh tế nổi bật tuần qua.
1.Liên minh châu Âu (EU) áp thuể bổ sung từ 7,8%-35,3% đối với xe điện nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc từ ngày 30/10 và dự kiến áp dụng trong 5 năm sau khi các nỗ lực đàm phán giữa hai bên bất thành. Mức thuế mới này sẽ được kết hợp với mức thuế nhập khẩu hiện hành 10%, làm một số hãng sản xuất xe điện đối mặt với tổng mức thuế lên tới 45,3%.
2.Anh tăng thuế mạnh nhất trong hơn 3 thập niên. Chính phủ Anh ngày 30/10 đã công bố gói ngân sách mùa Thu, theo đó sẽ tăng thuế tới 40 tỷ bảng Anh (52 tỷ USD), để bù đắp cho các khoản thâm hụt ngân sách và huy động nguồn tiền cần thiết cho dịch vụ công. Phần lớn khoản thuế gia tăng này sẽ rơi vào các doanh nghiệp.
3.Liên minh châu Âu (EU) điều tra nền tảng thương mại điện tử Temu vì lo ngại nền tảng này có thể đã không hạn chế việc bán các sản phẩm bất hợp pháp. Cuộc điều tra được tiến hành theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của EU nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động của các nền tảng trực tuyến của các công ty công nghệ lớn trên thế giới. Temu cho biết sẽ hợp tác với EU.
4.Giá vàng thế giới liên tục phá đỉnh khi có lúc vọt lên mức cao kỷ lục mới 2.789,73 USD/ounce trong phiên 30/10 do sự bất ổn liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ làm gia tăng nhu cầu đối với tài sản an toàn. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng toàn cầu đã tăng khoảng 5% trong quý III/2024 và lần đầu tiên mức tiêu thụ vàng vượt mốc 100 tỷ USD. Giá vàng đã tăng 35% tính từ đầu năm nay và hướng đến năm tăng mạnh nhất kể từ năm 1979.
5.Kinh tế Đức tránh được suy thoái sau khi Cơ quan Thống kê Liên bang công bố GDP tăng 0,2% trong quý III/2024 nhờ chi tiêu của chính phủ và hộ gia đình tăng. Kinh tế Đức giảm 0,3% trong quý II.
6.Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tiếp tục thể hiện khả năng thích ứng tốt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. ASEAN đã xây dựng các liên kết thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
7.Lạm phát của Eurozone tăng mạnh trở lại lên mức 2% vào tháng 10/2024 do chi phí thực phẩm tăng. Mặc dù lạm phát tăng cao hơn, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 12 sau khi hạ lãi suất 3 lần trong năm nay, đưa lãi suất cơ bản về 3,25%.
8.Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng do đồng rupee giảm giá và nguồn cung tăng. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 442-449 USD/tấn. Cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gạo gia tăng sau khi Ấn Độ bỏ thuế xuất khẩu gạo đồ và giá sàn đối với gạo trắng không phải loại basmati để thúc đẩy xuất khẩu.
9.Thái Lan cấm xuất khẩu dầu cọ thô đến tháng 12/2024 do sản lượng cọ giảm bởi hạn hán và dịch bệnh cây trồng. Lệnh cấm nhằm ổn định giá cả trong nước, đảm bảo mức dự trữ đủ để đáp ứng nhu cầu và sẽ được xem xét lại vào tháng 1/2025.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/su-kien-kinh-te-the-gioi-noi-bat-tuan-qua/352184.html