Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

Mỹ và Trung Quốc ngừng áp thuế trong 90 ngày và giảm đáng kể các mức thuế quan đối ứng.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

1.Mỹ và Trung Quốc ngừng áp thuế trong 90 ngày và giảm đáng kể các mức thuế quan đối ứng. Ngày 12/5, giới chức hai nước đã nhất trí rằng phía Mỹ sẽ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30%, ngược lại Trung Quốc sẽ giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10%. Đây là một thỏa thuận mang tính đột phá giúp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vốn gây không ít xáo trộn cho kinh tế toàn cầu và khiến thị trường tài chính liên tục chao đảo.

2. Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại đảo Jeju của Hàn Quốc trong hai ngày 15-16/5 được đánh giá là thành công khi Bộ trưởng Thương mại của 21 nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí toàn diện thông qua tuyên bố chung vào phút chót về tầm quan trọng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hệ thống thương mại đa phương trong việc kết nối các nền kinh tế. Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhận định đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường quốc tế khi các nước thành viên APEC sẵn sàng hợp tác để vượt qua những bất ổn trong môi trường thương mại toàn cầu đang gia tăng gần đây.

3.Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nên tạm hoãn việc tăng lãi suất là lời khuyến cáo đưa ra ngày 16/5 của ông Toyoaki Nakamura, thành viên Hội đồng quản trị BoJ. Ông Nakamura cho rằng BoJ phải điều hành chính sách tiền tệ "thận trọng" và đặc biệt lưu ý đến tác động từ sự thiếu chắc chắn trong chính sách thương mại của Mỹ đối với hoạt động của doanh nghiệp và hộ gia đình.

4.Ấn Độ, Nhật Bản và Vương quốc Anh ngày 16/5 thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc các nước này dự kiến tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ nhằm đáp trả thuế thép và nhôm mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng từ năm 2018. Các nước coi đây là biện pháp tự vệ "trá hình" của Mỹ và tuyên bố “bảo lưu quyền” áp thuế sau thời gian chờ 30 ngày theo quy định của WTO.

Một nhà máy lọc dầu tại Karbala, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Một nhà máy lọc dầu tại Karbala, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

5.Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 14/5 đã hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung dầu thô của các nhà sản xuất ngoài OPEC+ (gồm các thành viên OPEC và các đối tác, trong đó có Nga) trong năm 2025, chủ yếu do chi tiêu vốn suy giảm và các áp lực thị trường ngày càng gia tăng. OPEC dự báo sản lượng dầu thô của các quốc gia ngoài OPEC+ sẽ tăng khoảng 800.000 thùng/ngày trong năm 2025, thấp hơn so với mức dự báo tăng 900.000 thùng/ngày được khối này đưa ra vào tháng trước.

6.Tập đoàn thương mại Mitsui và công ty năng lượng tái tạo European Energy ngày 13/5 cùng nhau ra mắt sản phẩm e-methanol thân thiện với môi trường đầu tiên trên thế giới. Liên doanh Solar Park Kasso ApS của họ sản xuất e-methanol ít carbon bằng cách kết hợp hydro (thu được từ việc sử dụng điện sản xuất tại các cơ sở năng lượng Mặt trời ở vùng ngoại ô Aabenraa, miền Nam Đan Mạch) với CO2 thu được từ các nguồn sinh khối. Lượng CO2 thải ra từ quá trình sản xuất e-methanol ít hơn tới 97% so với lượng CO2 thải ra từ quá trình sản xuất methanol bằng nhiên liệu hóa thạch.

7.Công ty sản xuất hàng điện tử gia dụng Samsung Electronics ngày 14/5 thông báo thương vụ lớn nhất trong 8 năm qua khi cho biết sẽ mua lại công ty sản xuất hệ thống điều hòa không khí và sưởi ấm FlaktGroup (Đức) từ tập đoàn đầu tư tư nhân Triton với giá 1,5 tỷ euro (1,68 tỷ USD). Thương vụ này của Samsung Electronics nhằm đáp ứng nhu cầu làm mát ngày càng tăng của các trung tâm dữ liệu phục vụ cho các dự án trí tuệ nhân tạo (AI).

8.Tập đoàn công nghệ Microsoft từ ngày 13/5 đã bắt đầu sa thải khoảng 6.000 nhân viên, tương đương khoảng 3% lực lượng lao động toàn cầu và là đợt cắt giảm việc làm lớn nhất của công ty trong hơn hai năm qua, trong bối cảnh “ông lớn” này đang đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo (AI). Bang Washington, nơi đặt trụ sở chính của Microsoft tại Redmond, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 1.985 nhân viên bị cắt giảm, nhiều người trong số họ làm việc trong các vị trí kỹ thuật phần mềm và quản lý sản phẩm.

9.Bộ Lao động Mỹ ngày 13/5 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4/2025 đã giảm tốc so với cùng kỳ năm trước xuống 2,3%, thấp hơn một chút so với mức 2,4% vào tháng 3/2025. Chỉ số trên giảm tốc trong bối cảnh Mỹ thông báo áp dụng các mức thuế quan mới đối với nhiều quốc gia - đặc biệt là mức thuế cao áp lên hàng hóa Trung Quốc. Điều này đã gây lo ngại cho thị trường tài chính và làm dấy lên sự quan ngại về nguy cơ giá cả tăng vọt.

Anh Quân/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/su-kien-kinh-te-the-gioi-noi-bat-tuan-qua-20250518074602169.htm