Sứ mệnh của ngành dân tộc, tôn giáo trong giai đoạn mới

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược về xây dựng Đảng và phát triển đất nước, mà còn nhấn mạnh vai trò cốt tử của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thông điệp lớn từ Hội nghị Trung ương 11

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ nội bộ, thông điệp của Tổng Bí thư là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân tăng cường bản lĩnh, củng cố niềm tin và hành động thống nhất để bảo vệ thành quả cách mạng.

Thông điệp này đặc biệt có ý nghĩa đối với ngành dân tộc, tôn giáo, chiến lược và gắn chặt với vận mệnh dân tộc. Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư chính là kim chỉ nam để ngành nâng cao trách nhiệm, đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận trong giai đoạn phát triển mới.

Có ba trụ cột lớn trong thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo.

Một là, kiên định và nâng tầm chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tổng Bí thư khẳng định, đoàn kết toàn dân tộc là “cội nguồn sức mạnh”, là “đường lối chiến lược lâu dài của cách mạng Việt Nam”. Ngành dân tộc, tôn giáo phải là lực lượng tiên phong trong việc kết nối, hòa hợp các dân tộc, tôn giáo, tầng lớp xã hội.

Ngành dân tộc, tôn giáo phải là lực lượng tiên phong trong việc kết nối, hòa hợp các dân tộc, tôn giáo, tầng lớp xã hội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngành dân tộc, tôn giáo phải là lực lượng tiên phong trong việc kết nối, hòa hợp các dân tộc, tôn giáo, tầng lớp xã hội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong thời gian qua, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã triển khai chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội đoàn thể nhằm tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Tại Trà Vinh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa phối hợp với Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức hội thảo "Phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" ở khu vực miền Nam.

Một trong những điển hình về người có uy tín ở cơ sở là ông Rơ Ô Bhót (buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, Gia Lai). Ông đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ông còn là thành viên của tổ hòa giải tham gia hòa giải nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn tại địa phương, qua đó góp phần ổn định tình hình địa phương và hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp. Mô hình phối hợp giữa người có uy tín, chức sắc tôn giáo và chính quyền đã góp phần hóa giải thành công nhiều vụ việc có nguy cơ mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo.

Hai là, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với an ninh quốc gia và sự phồn vinh của đất nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu “phát triển hài hòa giữa các vùng, miền”, nhất là vùng sâu, vùng xa – nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là định hướng để ngành dân tộc, tôn giáo tham mưu chính sách, kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Trong năm 2025, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã chuẩn bị nhiều nguồn lực để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn II về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với điểm nhấn là xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Đến đầu tháng 5, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 208.357 căn (gồm khánh thành 108.956 căn và khởi công xây dựng mới 99.401 căn), trong đó, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hơn 106.000 căn. Hàng trăm nghìn hộ dân nghèo ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã được hỗ trợ nhà ở ổn định, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Ba là, tăng cường niềm tin của nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác luận điệu chia rẽ.

Tổng Bí thư yêu cầu toàn hệ thống chính trị chủ động phòng ngừa, xử lý các "điểm nóng". Đây cũng là một trọng trách của ngành dân tộc, tôn giáo.

Từ đầu năm 2025, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã phối hợp với công an, quân đội, chính quyền địa phương các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nắm chắc tình hình, phát hiện và xử lý sớm các biểu hiện cực đoan. Kết quả, đã ngăn chặn nhiều vụ việc tụ tập trái phép, xử lý truyền thông nhiều tài khoản mạng xã hội phát tán thông tin xuyên tạc về dân tộc, tôn giáo.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư bằng hành động cụ thể

Ngay sau Hội nghị Trung ương lần thứ 11, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, tiêu biểu như: Tổ chức các đoàn công tác đến An Giang, Trà Vinh, Gia Lai, Điện Biên… để nắm tình hình, lắng nghe tâm tư của đồng bào, chức sắc tôn giáo, truyền tải tinh thần đại đoàn kết.

Chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư, mở rộng chuyên trang tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, tăng cường nắm bắt, dự báo, cảnh báo sớm các yếu tố nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo; đồng thời, theo dõi, nắm và tổng hợp tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các vấn đề nổi cộm, bức xúc, điểm nóng và dư luận xã hội quan tâm.

Cùng với các địa phương khu vực Tây Nam Bộ tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, văn hóa, thể thao dịp Tết Chôl Chnăm Thmây 2025 của đồng bào Khmer tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu…, tạo không khí đoàn kết, đồng thời định hướng tư tưởng cho thanh niên, sinh viên Khmer.

Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có chiều sâu lý luận, vừa mang tính hiệu triệu hành động đối với toàn ngành dân tộc, tôn giáo. Đây là thời điểm chiến lược để ngành dân tộc và tôn giáo củng cố vị thế, nâng cao bản lĩnh chính trị và uy tín trong hệ thống chính trị.

Muốn vậy, toàn ngành phải đổi mới tư duy, bám sát thực tiễn, tăng tính chuyên nghiệp, chủ động phản ứng chính sách, đẩy mạnh truyền thông chính sách và kiên quyết đấu tranh phản bác thông tin sai lệch – góp phần giữ vững “mặt trận đoàn kết” như lời Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Muốn đi xa phải đi cùng nhau – Muốn đất nước hùng cường phải giữ được lòng dân”.

Minh Dực

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/su-menh-cua-nganh-dan-toc-ton-giao-trong-giai-doan-moi-2401084.html