Sứ mệnh nhà giáo vinh quang và thách thức lớn lao
Sứ mệnh nhà giáo vinh quang nhưng cùng với đó thách thức cũng lớn lao hơn bao giờ hết...
Trước yêu cầu đổi mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, lực lượng nhà giáo chưa bao giờ đặt trước trách nhiệm, sứ mệnh vinh quang như bây giờ; nhưng cùng với đó, thách thức cũng lớn lao hơn bao giờ hết.
- Năm nay, chúng ta kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Dịp đặc biệt này, Bộ trưởng có thể chia sẻ suy nghĩ về vai trò của nghề giáo, nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?
- Như chúng ta đã biết, ngành Giáo dục - Đào tạo đang đứng trước cơ hội, trọng trách, yêu cầu, thách thức rất lớn. Mục tiêu phát triển trong thời gian sắp tới của đất nước ta là trở thành một nước công nghiệp, có nền thu nhập khá, đời sống người dân được cải thiện. Để đạt được mục tiêu đó, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là một trong ba đột phá chiến lược. Và giáo dục - đào tạo là giải pháp rất quan trọng để thực hiện được đột phá chiến lược đó.
Để có được một thế hệ người Việt Nam mới với những phẩm chất, năng lực mới trong giai đoạn hội nhập quốc tế và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì giáo dục - đào tạo cần phải ra sức đổi mới. Trong thực tế, ngành Giáo dục - Đào tạo cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi, mà theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương là đổi mới căn bản, toàn diện.
Trong đó có 2 nhiệm vụ rất trọng tâm, đó là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới trong quản trị đại học, trong thực hiện tự chủ đối với hệ thống giáo dục đại học. Như vậy, từ hệ thống phổ thông cho đến đại học đều đang đặt ra nhiệm vụ về chuyển đổi, về đổi mới, về nâng cao chất lượng.
Trong các biện pháp, những trụ cột để có thể giải quyết được nhiệm vụ, thách thức đó, ngành Giáo dục - Đào tạo xác định phát triển đội ngũ nhà giáo, dựa vào lực lượng nhà giáo, phát huy trách nhiệm của lực lượng nhà giáo, lấy việc đổi mới phương pháp, tư duy của đội ngũ nhà giáo là phương diện rất quan trọng. Cho nên có thể nói, lực lượng nhà giáo chưa bao giờ đặt trước trách nhiệm, sứ mệnh vinh quang như bây giờ; nhưng cùng với đó, thách thức cũng lớn lao hơn bao giờ hết.
Đất nước ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, vốn đặt nhà giáo ở một vị trí rất tôn nghiêm, cao cả, nhận được những sự tôn trọng, sự tôn vinh của toàn xã hội. Trong điều kiện bình thường, giáo dục được con người, cung cấp được nguồn nhân lực, thực hiện được các nhiệm vụ của nhà giáo, đó cũng đã là vinh quang. Nhưng trong những thời khắc, giai đoạn cần sự cố gắng, cần vượt lên thách thức lớn, thì vinh quang sẽ càng lớn lao hơn và đương nhiên thách thức cũng thật nhiều ở phía trước.
- Thưa Bộ trưởng, có lẽ hiếm đất nước nào như Việt Nam khi dịp 20/11 không chỉ là ngày hội của một ngành nghề, mà còn là niềm vui, sự tôn vinh của toàn xã hội. Riêng Bộ trưởng có suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam?
- Nói là một ngày nhưng cũng có thể nói đó là một tinh thần - một tinh thần của quốc gia, dân tộc vốn có truyền thống hiếu học, coi trọng sự học, coi trọng tri thức. Khi tôn vinh sự học thì vai trò của người thầy được đặt ra ở một vị trí rất đặt biệt. Không phải đến khi có ngày 20/11 mới là dịp để thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo.
Trước đây, khi chưa có ngày này thì truyền thống đó cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau, tinh thần đó đã luôn là một dòng chảy lớn. 40 năm trở lại đây, khi có Ngày Nhà giáo Việt Nam, thì thời khắc ấy, ngày ấy hội tụ, thể hiện tập trung cho một tinh thần đó. Tôi nghĩ đó là một nét văn hóa, một nét tinh thần, một nét đẹp trong quan hệ, ứng xử của người Việt Nam nói chung, chứ không chỉ là thái độ đối với nhà giáo.
- Nhân ngày vui của giáo giới, Bộ trưởng có lời gì muốn trao gửi đến những nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước?
- Hơn lúc nào hết, ngành Giáo dục - Đào tạo đang đặt trước những yêu cầu, nhiệm vụ rất lớn, trọng trách rất nặng nề và thực hiện việc này trong bối cảnh toàn xã hội cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi. Có những thách thức đặt ra với đội ngũ trong quá trình chuyển đổi của xã hội. Bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, nhà giáo cần phải bám vững chắc vào chỗ dựa quan trọng của nghề nghiệp - đó là sự kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người, lấy chỗ dựa đó là một sự động viên tinh thần.
Như cách nói truyền thống là “tôn sư trọng đạo”, thì đó là tinh thần của “đạo”, tức là sự rèn luyện đối với con người. Sở dĩ từ xưa đến nay, nghề giáo được tôn vinh là vì kiến tạo ra những giá trị đó. Nên mong rằng, nhà giáo chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trong bất kỳ thách thức nào cũng cố gắng vượt qua để tiếp tục theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp, thực hiện cho được sứ mệnh của nghề nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn thể lực lượng trong ngành Giáo dục luôn mong muốn được xã hội quan tâm nhiều hơn, quan tâm một cách thiết thực hơn, có sự chia sẻ cụ thể hơn đối với nhà giáo trong công việc. Nhưng trước hết, để có được sự chia sẻ, tôn vinh từ phía xã hội, chính chúng ta phải làm thật tốt các công việc của mình. Đó là điều kiện tiên quyết để chúng ta khẳng định giá trị bền vững của nghề nghiệp, sự tốt đẹp bền vững của nghề giáo.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!