Sử nhạc Việt, hỏi Nguyễn Thụy Kha

Nhiều người không ưa Nguyễn Thụy Kha, nhưng riêng tôi lại nể, phục, trọng và yêu 'nó'. Gọi Kha là 'nó' cho thân mật, quý mến nhau thôi, chứ thực ra Kha sinh năm 1949 kém tôi và Nguyễn Trọng Tạo hai tuổi (Đinh Hợi 1947). Mỗi khi ngắm bức ảnh 'ba thằng', càng nhớ Tạo. Giờ Tạo đã bỏ hai chúng tôi theo cụ Văn Cao, Trịnh Công Sơn rồi, tệ thế. Mai kia gặp lại dứt khoát phải dìm Tạo vào chén cho chết sặc mới tha, ngày ấy không xa đâu Kha nhé, chúng mình cũng đã tiệm cận 80, ba 'thằng mình' sắp gặp nhau rồi, vui phết.

Nhiều người không ưa Nguyễn Thụy Kha, nhưng riêng tôi lại nể, phục, trọng và yêu “nó”. Gọi Kha là “nó” cho thân mật, quý mến nhau thôi, chứ thực ra Kha sinh năm 1949 kém tôi và Nguyễn Trọng Tạo hai tuổi (Đinh Hợi 1947). Mỗi khi ngắm bức ảnh “ba thằng”, càng nhớ Tạo. Giờ Tạo đã bỏ hai chúng tôi theo cụ Văn Cao, Trịnh Công Sơn rồi, tệ thế. Mai kia gặp lại dứt khoát phải dìm Tạo vào chén cho chết sặc mới tha, ngày ấy không xa đâu Kha nhé, chúng mình cũng đã tiệm cận 80, ba “thằng mình” sắp gặp nhau rồi, vui phết.

Tác giả và Nguyễn Thụy Kha

Tác giả và Nguyễn Thụy Kha

Nghệ sĩ cái tôi rất lớn, thường đố kỵ nhau, không ai chịu ai. Văn mình vợ người mà. Thế mà tôi nể Kha, nể thật sự cộng thêm phục, phục sát đất là khác. Thụy Kha “hết nước chấm” đấy, không phải dạng vừa đâu. Nể phục là vì Kha đa tài, quá tài và sức làm việc phi thường, tác phẩm đồ sộ cả về chất và lượng. Nếu Kha tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia khoa lý - sáng - chỉ (lý luận, sáng tác, chỉ huy) như nhà lý luận cự phách Nguyễn Quang Long thì nói làm gì nữa. Đằng này, dân Ngãi Am, Vĩnh Bảo (Kiến An cũ) chính khựa, các cụ xưa lên Việt Yên, Bắc Giang bán thuốc lào Vĩnh Bảo rồi về thành phố Hải Phòng sinh sống. Bố mẹ đều là nhà giáo. Nhiễm âm nhạc từ bé bởi được nghe các anh trong gia đình hòa tấu. Âm nhạc cứ thấm dần vào tâm hồn cậu bé Thụy Kha. Thời phổ thông tham gia dàn hợp xướng “Hải Âu”, thành phố cảng Hải Phòng. Năm 1966 lên Hà Nội... sinh viên trường đại học thông tin... ra trường là kỹ sư thông tin. Tháng 9-1971 vào bộ đội đi khắp miền Trung, Quảng Trị, Tây Nguyên, Sài Gòn, cứ thế mà làm thơ, viết ca khúc, ca cảnh. Kha được Bộ Tư lệnh cử đi học chuyên tu âm nhạc do Bộ Tư lệnh mở mời thầy “xịn” như Vũ Trọng Hối, Chu Minh, Văn An, Huy Thục... chủ nhiệm là nhạc sĩ Thanh Phúc. Đấy là thời kỳ tích lũy kiến thức hình thành phông cơ bản để sáng tác sau này. Năm 1975 bắt đầu làm báo, sáng tác thơ và âm nhạc. Tôi không bao giờ quên câu thơ ám ảnh về chiến tranh của Nguyễn Thụy Kha: “Mùa hè ấy gạch chảy ra như máu” hay bài thơ đã được giải cao của tuần báo văn nghệ “Những giọt mưa đồng hành”…

“Ba thằng mình” Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha và Thế Hùng.

“Ba thằng mình” Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha và Thế Hùng.

Năm 1990 Kha phục viên với quân hàm Thiếu tá, về Tạp chí Âm nhạc làm hợp đồng. Khá thân và ảnh hưởng tư tưởng của cụ Văn Cao từ các Trường ca Sông Lô, Trương Chi, Những người trên cửa biển… Cũng từ tạp chí âm nhạc, Kha được gần và nhận được sự chỉ dạy của các nhạc sĩ gạo cội: Hoàng Vân, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn (đồng hương Hải Phòng). Chính Văn Cao phát hiện ra Thụy Kha có năng lực nghiên cứu: “Tao muốn gặp thằng Thụy Kha” để cụ khuyên: “Có lẽ Kha phải làm phê bình âm nhạc” và Kha đã không phụ lòng mong mỏi của thầy, người bạn vong niên Văn Cao. Sau đó Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cũng khuyên như vậy nên nền âm nhạc Việt Nam mới có được một Nguyễn Thụy Kha vạm vỡ, màu mỡ về sử nhạc hôm nay và mai sau.

Cả ngày say. Sáng, chiều, tối cũng say. Cả tháng say, cả đời say. Cứ say là viết. Kha say công việc, say viết, say sáng tạo âm nhạc và say rượu. Riêng khoản say tình thì khỏi nói, cùng nhóm máu với bố Nguyễn Trọng Tạo. Không có đàn bà thì... thành tích chiến công lẫy lừng trên dằng dặc tình trường thì hai bố ngang nhau, sêm sêm với hoàng đế nước Pháp Napoleon Bonapac trên chiến trận. Đánh đâu thắng đấy, thơ hay thế, nhạc mùi mẫn thế, đầu nhiều chữ uyên bác thế. Các người đẹp không bị sát thương mới lạ, cứ là chết như ngả rạ. Thế Hùng tôi phọt phẹt chấp gì... Ngoại đạo là thế mà nay đàng hoàng ngồi giữa các chiếu làng ở bậc tiên chỉ đương đại: làng thơ, làng văn, làng nhạc, làng báo, làng phê bình là vui lắm rồi. Chơi tất, mà thành công tất, thế mới kinh.

Nguyễn Thụy Kha trong chuyến thực tế chứng tích thảm sát Trảng Trầm (Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam).

Nguyễn Thụy Kha trong chuyến thực tế chứng tích thảm sát Trảng Trầm (Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam).

Hỡi những ai đố kỵ, nói xấu, không chịu Nguyễn Thụy Kha hãy “so găng” với Kha trên võ đài nghệ thuật đi xem ai “nốc ao” ai? Còn võ mồm thì không chấp. Tác phẩm viết bằng nước bọt thì quan tâm làm quái gì? Để viết được 15 hợp xướng phát trên mạng, trên sóng VOV không dễ. Bè mảng, hòa thanh, phức điệu..., kinh nhất là những bản Miền Trung (phổ thơ Hoàng Trần Cương). Quy Nhơn (phổ thơ Văn Cao). Hà Nội thu mênh mang (phổ thơ Trần Gia Thái). Mấy trăm ca khúc phát trên sóng mà tiêu biểu là ca khúc Quê mẹ (phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh). Mùa xuân bao điều lạ (phổ thơ Thanh Hải). Lời ru mùa thu (phổ thơ Nguyễn Duy), Qua cầu Hàm Rồng, Khúc hát mùa hè... giai điệu, khúc thức lời ca đều rất đẹp vì Kha đã thơ hóa ca từ.

Mảng đồ sộ, đáng nể nhất của Thụy Kha là 20 năm (1998 - 2018) viết 14 cuốn sách đồ sộ, pho sử thi âm nhạc, bộ tài liệu chân xác về các tài danh Việt Nam. Khắc họa lại chân dung các nhạc sĩ nổi tiếng: Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Văn Cao, Trịnh Công Sơn... Những cuốn sách lần lượt ra đời từ ngòi bút nhọc nhằn bao đêm trắng của Kha: Người đi dọc biển; Thế kỷ âm nhạc Việt Nam một thời hòa bình; Thế kỷ âm nhạc Việt Nam một thời đạn bom; Thủa bình minh tân nhạc; Hàn Mạc Tử, thi sĩ đồng trinh; Phạm Duy và tôi; Những gương mặt âm nhạc thế kỷ; Huy Du đời và nhạc; Nguyễn Thiện Đạo, nhạc sĩ bị giời đày… Những thành tựu này đã được ghi nhận bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật lĩnh vực âm nhạc năm 2022 và hơn 30 giải thưởng văn học nghệ thuật cấp trung ương.

Một lần say, Kha thật thà tuôn hết: “Tao mang ơn Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam với những ngày làm biên tập viên ở đấy. Phông văn hóa, phông âm nhạc của tao dầy lên đáng kể. Các mối quan hệ với các đại thụ của âm nhạc Việt Nam cũng bắt đầu từ đấy nên mới có tư liệu để viết những pho sách lưu lại cho hậu thế”. Khoản này thì Kha giống Thế Hùng. Vì làm phóng viên tuần báo văn nghệ, hội nhà văn Việt Nam thì mới có tư liệu viết được cuốn hồi ký này, mới minh xác bằng những bức ảnh này.

Nói Thụy Kha là tự điển sống về tân nhạc Việt không sai. Bộ nhớ vào loại khủng. Tôi đoan chắc một trong những nhạc sĩ, nhà lý luận âm nhạc hiểu, viết kỹ, sâu nhất về tân nhạc Việt là Nguyễn Thụy Kha. Sau anh chưa có hoặc rất khó có. Kha là địa chỉ tin cậy để các nhà đài, nhà báo tìm đến. Nếu một ngày đẹp trời... Kha đi uống rượu làng Vân với cụ Văn Cao thì ai đủ tư cách thay Kha? Trọng và yêu Kha vì chả ai thẳng tính, trực ngôn như Kha “Trung ngôn nghịch nhĩ”, không ưa vỗ mặt luôn. Mà quý thì củ ấu cũng thành hòn bi. Hết lòng vì bạn nhưng phải cái tội “khẩu xà tâm Phật ” thẳng như ruột ngựa - đấy là bản chất của những người tốt, cực tốt.

Đánh giá nghệ sĩ, nhà khoa học phải căn cứ vào sản phẩm họ làm ra, công trình nghiên cứu họ khổ công một đời đắm đuối chứ đừng nhìn vào tính cách, lối sống, phát ngôn. Nghệ sĩ có tài thường có tật. Nhiều tài nhiều tật. Tài càng cao tật càng lắm. Đấy là tư duy biện chứng của triết học và mỹ học trong nghệ thuật của tôi. Hai mặt của một vấn đề. Huân chương lấp lánh thì đằng sau nó phải nham nhở chứ?

Nguyễn Thụy Kha và nhân vật “Út Nhạn” trong Nhật ký Chu Cẩm Phong.

Nguyễn Thụy Kha và nhân vật “Út Nhạn” trong Nhật ký Chu Cẩm Phong.

Tháng 2-2024. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng ra chơi. Tôi tổ chức nhậu. Thụy Kha, đến Times City uống rượu với Thế Hùng và Nguyễn Ngọc Hạnh. Kha hỏi:

- Có Macallan tao mới uống.

- Hiện nhà có mấy chai vang Ý hảo hạng 17 độ rưỡi.

- Vang chua miệng, ai uống (ăn nói thế bảo sao không bị ghét).

- Vâng, thưa bố con đi mua Macallan đây ạ.

Chiều lòng bạn, tôi đành lóp ngóp ra phố rượu Hai Bà Trưng kiếm chai Macallan hạng bét về đãi Kha (nói là bét thôi cũng mất nửa tháng lương đấy ạ)... Cả buổi Kha chỉ uống không ăn, y như cụ Văn Cao xưa nhắm rượu với thịt của mình. Bác cháu có khác.

Hồi Nguyễn Trọng Tạo còn, ba đứa ngồi với nhau, Thụy Kha cũng thế, uống nói, nói uống hết cả buổi. Kết quả là Kha mềm nhũn đẫm mùi rượu, say lả lướt, phải rất vất vả để dìu từ căn hộ nhà của Tạo xuống đường. Lúc tỉnh thì ông ông, tôi tôi. Khi đê mê thì mày tao - thằng Thế Hùng, thằng Tạo. Văng các kiểu ngang phân ông nhà báo Xuân Ba. Hai cha này nói bậy nhất Việt Nam. Vui mà, bạn mà, nói bậy đúng lúc, đúng ngữ cảnh thì vui biết bao nhiêu, không thấy bậy tí nào. Bậy, rất bậy mà không bậy. Ha ha...

Trong giới văn nghệ sĩ, rượu bắt buộc phải có trong các cuộc hàn huyên. Nhạc sĩ Văn Cao càng uống càng không nói. Nhà thơ Hoàng Cầm có rượu môi mới đỏ, đọc thơ mới hay, nói mới duyên. Nhà thơ Hoàng Trung Thông rượu vào là đi không vững, ướt đũng quần, ngã xiêu vẹo. Cụ Nguyên Hồng cứ chén áp vào môi là khóc... Họ đều chỉ quốc lủi hoặc rượu vang. Riêng Thụy Kha thì phải là Whisky hảo hạng, Macallan, Chivas... càng rót càng mềm môi càng hùng hồn, gan ruột thì có mà moi ra hết, rằng em này, em kia... mà lại còn khoe có vợ ba, vợ bốn non tơ nữa mới kinh (không biết là rượu nói hay đùa nữa). Tôi hỏi Kha: Ông uống nhiều vậy, sáng tác, viết sách lúc nào ? Tao viết bất kể lúc nào. Say viết mới hay! Nguyễn Thụy Kha là vậy đó, nhưng nhiều người vẫn gọi Kha là tự điển sống âm nhạc Việt Nam các bạn ơi.

Tiến sĩ Mỹ học THẾ HÙNG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/su-nhac-viet-hoi-nguyen-thuy-kha-post296932.html