Sự sáng tạo thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh của người thầy
Bằng sự tâm huyết trong công tác giảng dạy; luôn muốn khích lệ, đánh thức khả năng tiềm ẩn của học trò nhằm mang đến những tiết học đầy cảm hứng, nhiều thầy cô đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo để cả thầy- trò cùng cảm nhận được niềm hạnh phúc bởi những giá trị mình nhận được sau mỗi giờ học.
Người thầy truyền cảm hứng tích cực
Mỗi giờ vào lớp, cô- trò cùng nhau tìm hiểu nội dung môn học nhưng lại lĩnh hội được đa dạng vấn đề với nguồn năng lượng dồi dào cùng niềm cảm hứng hăng say, tích cực…; đó là tâm trạng nhiều giáo viên- học sinh có được qua những tiết học sáng tạo. Và điều lý thú này được khởi nguồn từ chính những thầy cô đứng lớp.
Đã từ lâu, tiết Tin học tại trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) luôn được học sinh các khối mong đợi bởi sự “biến hình” của cô giáo Phan Thị May. “Nay cô sẽ dạy gì, chúng ta sẽ thực hành bằng cách nào?...”- là những câu học trò THPT Yên Hòa thường trao đổi với nhau mỗi ngày hay vào đầu tiết học.
Là một giáo viên Tin học đầy trách nhiệm và yêu nghề, cô giáo Phan Thị May không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng nhiều phương pháp cải tiến giúp bài giảng sinh động, hấp dẫn, hiệu quả. Vừa giảng dạy, cô vừa sống và trải nghiệm cùng học sinh trong lớp, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em, từ đó tìm ra cách thức khơi gợi tinh thần, nâng cao kết quả học tập của lớp.
“Tôi quan niệm dạy học không chỉ là dạy chữ mà còn là một quá trình giáo dục lâu dài; vì vậy trong nhiều bài giảng Tin học, tôi đã lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước hay nâng cao ý thức xã hội của các em thông qua phương pháp phản biện, thiết kế album ảnh, cẩm nang du lịch, sổ tay danh ngôn, poster, inforgraphic, mini game phục vụ học tập, các câu chuyện hoạt hình…. Bên cạnh đó, tôi cũng truyền cảm hứng tích cực đến học sinh thông qua việc lồng ghép những thông điệp nhân văn như “gửi lời yêu thương”, “sống tích cực giữa mùa dịch”, “thấu hiểu yêu thương”…, giúp các em biết trân trọng và tận dụng những cơ hội mình đang có, nhất là những điều kiện tốt khi học tập online.”- cô May chia sẻ.
Trong quá trình dạy Tin học, cô May nhận ra một thực tế đáng buồn đang tồn tại là học sinh ứng dụng công nghệ nhiều nhưng kỹ năng sử dụng lại chưa tốt; biết cách chơi game giỏi nhưng lại yếu về kỹ năng tìm kiếm thông tin; giỏi lướt facebook, làm tiktok nhưng lại không có khả năng soạn thảo một văn bản hành chính đúng quy cách; giỏi bảo vệ “cả giang sơn” trên game nhưng lại không có khả năng bảo vệ mình khỏi các cám dỗ của thế giới ảo…. Từ đó, cô May đã chú trọng vào việc truyền dạy để học sinh không chỉ biết kiến thức mà còn biết vận dụng kiến thức đó vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, tạo được các sản phẩm có tính ứng dụng cao. Những sáng tạo, nỗ lực của cô đã khích lệ học trò rất nhiều, giúp các em trưởng thành hơn về kiến thức và về cả nhận thức xã hội.
Người thầy sáng tạo
Luôn xác định trọng trách của người thầy trong giai đoạn hiện nay là đổi mới, sáng tạo nên bằng đam mê và sự tâm huyết của mình, cô Phạm Thị Thu Hường – giáo viên dạy Sinh học trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa đã có nhiều sáng kiến để nâng cao hiệu quả giảng dạy; một trong số đó là thay đổi không gian lớp học, đưa nghệ thuật vào bài giảng. Học trò hay hỏi cô Hường: “Cô ơi, hôm nay mình đi đâu thế?”. Vẫn không gian lớp ấy, vẫn từng ấy học trò nhưng mỗi ngày lớp học của cô Hường lại biến thành sân chơi, phòng tập thể dục, sân khấu, đấu trường gameshow để được thỏa thích trải nghiệm. Cô và trò học về phép lai, quang hợp, về hô hấp, tuần hoàn… mà được nghe hát cải lương, bolero, chèo, Rap, dân ca quan họ Bắc Ninh... Học trò của cô Hường đã làm được những điều tuyệt vời ấy, biến kiến thức khô cứng thành bài hát, vở kịch, màn ảo thuật…; đó là cả quá trình nỗ lực, thử nghiệm từ hai phía. Học sinh tự nghiên cứu, báo cáo nội dung bài học bằng một đoạn nhạc với các hình thức thể hiện khác nhau; cả cô, trò cùng được khám phá, vui vẻ; cô còn biết về nhiều hơn nguồn năng lượng tiềm ẩn, điểm mạnh của học trò. “Quy luật hoạt động của bộ não là khi cảm xúc càng thăng hoa thì trí nhớ càng khắc sâu. Bằng việc lồng ghép nghệ thuật vào môn Sinh, giờ học của tôi luôn vui vẻ, vừa căng thẳng kịch tính, vừa hồi hộp, vừa xúc động, ... Học sinh học tập qua gameshow, bài hát thì sẽ nhớ nhanh, nhớ lâu và không buồn ngủ, do đó giờ học sẽ đạt được hiệu quả cao”- cô Hường cho biết.
Còn cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Địa lý trường THCS Lương Thế Vinh, huyện Đan Phượng đã khéo léo lồng ghép, áp dụng khoa học tiềm thức vào dạy học môn Địa lý; hay cô và trò cùng tìm hiểu kiến thức môn Địa lý qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để phát huy tiềm năng của học trò; nhờ đó các tiết học của cô Dung luôn hấp dẫn, sinh động, có sức lôi cuốn học sinh.
Nhận xét về sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong công tác giảng dạy, nhất là dạy trực tuyến, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam bày tỏ sự hoan nghênh, khen ngợi với những giáo viên luôn có năng lượng tích cực, sáng tạo yêu nghề. “Trong khoa học giáo dục, việc đưa các phương pháp, hình thức khác nhau vào môn học giúp nội dung môn học được truyền tải đến học sinh phong phú, tươi vui, hấp dẫn. Với học sinh khi học trực tuyến, nếu truyền thụ kiến thức một chiều sẽ rất nhàm chán, nội dung bài giảng chẳng đến được với các em. Nhưng khi người thầy miệt mài, có sáng kiến thay đổi cách cung cấp thông tin, các hoạt động, giờ dạy được thêm nhạc, họa, hình ảnh, video…, điều này giúp thay đổi tâm lý tiếp nhận của học sinh, các em sẽ tiếp thu bài tốt hơn. Sáng tạo trong giáo dục là một đòi hỏi cấp thiết, luôn cần sự tâm huyết, trách nhiệm và bản lĩnh của chính người thầy…”.