Sự 'thăng hoa' của cổ phiếu chứng khoán
Sau nhiều năm nỗ lực, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến gần hơn đến việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Điều này có thể mở ra cơ hội lớn cho nhóm cổ phiếu chứng khoán - một trong những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ quá trình nâng hạng.
Đi cùng với sự tích cực của thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi bật cả về giá lẫn thanh khoản, một số mã sắp có đỉnh mới…
Nổi bật về giá và thanh khoản
Điển hình trong phiên 15/7, mặc dù đà đi lên của VN-Index bị ngắt, nhưng giao dịch nổi bật vẫn là các cổ phiếu chứng khoán khi trong 10 mã thanh khoản cao nhất thị trường thì có tới 4 mã thuộc nhóm này.
Trong đó, SSI đứng thứ 2 với gần 63 triệu đơn vị, thị giá tăng 2,52%; VIX đứng thứ 3 với hơn 60 triệu đơn vị, thị giá tăng 1,27%; VND đứng thứ 4 với hơn 56 triệu đơn vị, thị giá tăng 1,4%; HCM thứ 9 với gần 27 triệu đơn vị, thị giá tăng 1%.
Hầu hết mã cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán đều tăng giá, trong đó SBS tăng kịch trần, APS và DSE đều chạm trần.

Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi bật cả về giá lẫn thanh khoản.
Đà tăng mạnh mẽ gần đây của nhóm chứng khoán giúp nhiều cổ phiếu tiến sát hoặc vượt đỉnh cao lịch sử: SSI đang tiến về đỉnh lịch sử cuối năm 2021, VCI và VIX đang ngấp nghé đỉnh lịch sử, HCM chạm đỉnh mới tại mốc 26.400 đồng; FTS, MBS… cũng sắp công phá đỉnh.
Có thể thấy, sau nhiều năm nỗ lực, TTCK Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng: khả năng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 sắp tới của FTSE và tiến xa hơn là MSCI.
Đường đến thị trường mới nổi ngày càng gần. Cơ hội này không đơn thuần là cột mốc mang tính biểu tượng với chứng khoán Việt Nam, mà đi cùng với đó sẽ là dòng vốn tỷ USD từ nhà đầu tư ngoại, mở ra cơ hội cho những cổ phiếu đầu ngành và còn “room” cho khối ngoại.
Số liệu tại các thị trường tham chiếu như UAE, Qatar và Trung Quốc cho thấy, khối ngoại thực hiện mua ròng từ 2-4 tháng trước khi FTSE ra thông báo chấp thuận nâng hạng, cũng như thời gian bắt đầu quá trình chuyển đổi. Đối với MSCI, khối ngoại hành động sớm hơn từ 4-5 tháng, do quy mô các quỹ tham chiếu theo bộ chỉ số và mức độ ảnh hưởng của MSCI lớn hơn FTSE Russell.
Dấu hiệu trên dường như đang diễn ra trên TTCK Việt Nam. Trên sàn HoSE, khối ngoại đã mua ròng nhiều phiên liên tiếp trong thời gian gần đây, với giá trị mua ròng mỗi phiên hơn ngàn tỷ đồng, tập trung vào những cổ phiếu đầu ngành, bao gồm cả cổ phiếu đầu ngành chứng khoán. Tính từ đầu tháng 7/2025 đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 11.500 tỷ đồng trên HoSE, đánh dấu sự quay lại mạnh mẽ của dòng vốn ngoại.
Theo thống kê tuần giao dịch vừa qua (7-11/7), trên toàn thị trường, khối ngoại đã mua ròng gần 310,5 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 6.843,7 tỷ đồng, tăng 59,4% về lượng và hơn 30,1% về giá trị so với tuần từ ngày 30/6-4/7 (mua ròng 5.260,3 tỷ đồng). Trên sàn HoSE, nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng mạnh nhất cổ phiếu SSI với giá trị đạt 2.019 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 71,31 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ trong 9 phiên đầu tháng 7, khối ngoại đã mua ròng tới gần 2.650 tỷ đồng cổ phiếu SSI.
Ngoài ra, cổ phiếu HCM và VCI cũng được khối ngoại gom mạnh nhiều phiên liên tiếp trong thời gian gần đây.
Dư địa tăng còn dài?
Mới đây, JP Morgan (ngân hàng lớn nhất nước Mỹ) nâng đánh giá cổ phiếu Việt Nam lên mức “overweight” (mua vào/tăng tỷ trọng) trong danh mục đầu tư. JP Morgan còn nâng dự báo chỉ số VN-Index năm nay lên 1.500 - 1.600 điểm, và cho rằng việc áp dụng non-prefunding vào tháng 11/2024 và nâng cấp hệ thống giao dịch giúp tăng khả năng Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi trong đợt đánh giá tháng 9/2025.
Theo ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Pinetree, nâng hạng thành công chắc chắn sẽ đem đến nhiều tác động tích cực đến TTCK. Điều đầu tiên mà chúng ta có thể kỳ vọng là việc dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại sau vài năm liên tiếp bán ròng. Có thể kỳ vọng các cổ phiếu Việt Nam sẽ có tỷ trọng tương đương như những nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan (1,7%), Malaysia (1,8%).
“Với quy mô của riêng các quỹ ETF đang trực tiếp mô phỏng chỉ số FTSE Emerging Market Russell (xấp xỉ 90 tỷ USD), dòng vốn ngoại từ các quỹ ETF này được kỳ vọng sẽ ở mức 1,5-1,8 tỷ USD. Tổng giá trị dòng vốn ngoại được ước tính sẽ rơi vào tầm 4-5 tỷ USD trong vòng 2 năm sau khi nâng hạng”, chuyên gia Pinetree nhận định.
Theo giới phân tích, đi cùng dòng tiền lớn, tâm lý tích cực và thanh khoản sôi động trên thị trường được dự báo mở ra cơ hội lớn cho nhóm chứng khoán - một trong những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ quá trình nâng hạng.
Tâm lý tích cực trên TTCK sẽ thúc đẩy sự gia tăng khối lượng giao dịch, đây là yếu tố giúp tăng lợi nhuận từ hoạt động tự doanh và cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán (CTCK).
Tại thời điểm cuối quý I/2025, 52% tài sản đầu tư tài chính của CTCK được sử dụng cho nghiệp vụ tự doanh, 48% được sử dụng cho mục đích cho vay giao dịch ký quỹ. Mảng tự doanh vẫn đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận gộp của đa số CTCK.
Theo dự báo của Chứng khoán SHS, TTCK Việt Nam có thể được phân bổ tỷ trọng 0,3% trong giỏ Chỉ số FTSE EM. Tổng dòng vốn vào ròng từ các quỹ ETF và các quỹ đầu tư bị động theo FTSE EM dao động khoảng 0,5 - 1 tỷ USD. Dòng vốn từ các quỹ chủ động có thể gấp 5 lần so với dòng vốn từ các quỹ bị động, nhưng khó ước tính con số chính xác do phụ thuộc quyết định đầu tư của các quỹ.
Do đó, các CTCK tập trung vào phân khúc khách hàng tổ chức như Chứng khoán SSI, Chứng khoán Vietcap và Chứng khoán TP.HCM sẽ được hưởng lợi khi triển khai dịch vụ không yêu cầu ký quỹ, cùng dòng vốn dự kiến chảy vào TTCK Việt Nam.
Cùng với các CTCK lớn đã có lợi thế nhất định, sự sôi động của thị trường cũng mở ra cơ hội với toàn ngành. Trong đó, các công ty có liên kết với ngân hàng tư nhân được kỳ vọng đóng góp đáng kể trong tăng trưởng lợi nhuận ngành năm 2025 nhờ tận dụng mạng lưới và nguồn vốn từ ngân hàng để mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ, phân phối trái phiếu, hưởng điều kiện thị trường thuận lợi.
Hiện, chỉ số P/B, P/E của nhóm cổ phiếu chứng khoán đang tăng trở lại sau khi giảm xuống mức trung bình 10 năm. Tại thời điểm ngày 17/6/2025, định giá P/B ngành chứng khoán cao hơn so với trung bình 10 năm, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất đã ghi nhận, cho thấy định giá ngành vẫn ở mức hấp dẫn.
Với "sóng nâng hạng" gần kề, các chuyên gia gợi ý chiến lược đầu tư tập trung vào cổ phiếu bluechip hưởng lợi từ dòng tiền ngoại; ưu tiên cổ phiếu có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao, thanh khoản tốt, và room còn đủ để hấp thụ dòng tiền. Một số cổ phiếu gợi ý là nhóm các cổ phiếu chứng khoán bao gồm SSI, HCM, VIX, VCI, SHS...
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/su-thang-hoa-cua-co-phieu-chung-khoan-1108163.html