Sự thật lịch sử về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam
Năm 1945, nạn đói khủng khiếp đã xảy ra ở miền Bắc Việt Nam từ tỉnh Quảng Trị trở ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng so sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của cuộc chiến tranh Pháp - Đức.
“Nạn đói kém nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ, trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chỉ chết 1 triệu người, nước Đức chỉ chết chừng 3 triệu người. Thế mà, nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ ta đã chết hơn 2 triệu người…” - (Trích Hồ Chủ Tịch hô hào chống nạn đói năm 1945).
Nhằm cung cấp cho bạn đọc một cách toàn diện, đầy đủ và có hệ thống những chứng tích về sự mất mát, đau thương mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong lịch sử do tội ác của phát xít Nhật,
Mới đây, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật và Omega plus đã liên kết tái bản cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sửcủa Viện sử học, do GS. Văn Tạo và GS. Furata Motoo chủ biên.
Cuốn sách này bản đầu tiên được thực hiện vào đầu những năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít Nhật và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.
Theo GS. Văn Tạo, trong hội thảo khoa học với chủ đề “Hòa bình châu Á và vai trò của Nhật Bản” do Ủy ban Đoàn kết Á, Phi, Mỹ Latinh của Nhật Bản tổ chức vào tháng 12.1992 tại Tokyo, các nhà khoa học đã nhấn mạnh đến hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh Thái Bình Dương do phát xít Nhật gây ra. Tất cả tập trung sự quan tâm vào nỗi đau khổ không chỉ riêng ai do phát xít gây nên.
Trước yêu cầu làm rõ một sự thật lịch sử đau lòng, một cơn ác mộng, một nỗi đau nhức nhối, khó quên, một tội ác cần được lên án đó là nạn đói khủng khiếp xảy ra ở Việt Nam năm 1945 do phát xít Nhật gây ra, làm cho hơn 2 triệu người chết đói chỉ trong vòng một thời gian ngắn, GS. Văn Tạo và GS. Furata Motoo (đại điện Tiểu ban hợp tác Việt - Nhật) đã thực hiện một nghiên cứu về nạn đói.
Ngoài lý do trên còn có một vấn đề khiến GS. Văn Tạo và các cộng sự quan tâm, đó là vào thời điểm bấy giờ có một thực trạng là nhân dân Nhật Bản và nhân dân thế giới có rất ít người biết đến nạn đói 1945 ở Việt Nam, hoặc có người biết đến nhưng chưa tường tận về mức độ ghê gớm của thảm kịch này.
Mặt khác, ở Nhật Bản, sự xuyên tạc sự thật lịch sử nhằm đánh lạc hướng dư luận vẫn cố tình được tung ra, nhằm bảo vệ cho luận điểm rằng: Người Nhật đã có thiện chí giải phóng các dân tộc khỏi ách thực dân da trắng, sao lại còn có chuyện giết hại người dân Việt Nam bằng nạn đói được.
Chính vì vậy, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã phối hợp với nhau đấu tranh đòi xóa bỏ luận điểm sai trái này.
Cuốn sách do hai học giả, một người Việt và một người Nhật cùng viết dựa trên lượng tư liệu đồ sộ và các phân tích khoa học - như một cử chỉ "bắt tay" trong hiện tại để cùng bình tĩnh nhìn lại quá khứ.
Cho đến nay, đã hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của nhân dân Việt Nam, nạn chết đói năm 1945 vẫn còn là một cơn ác mộng, một nỗi đau nhức nhối, khó quên. Ở đâu người ta cũng nhìn thấy xác người chết đói. Trong 70 năm qua, những hố chôn người tập thể vẫn là nỗi đau đớn, ám ảnh khôn nguôi của biết bao thế hệ. Trong ký ức của nhiều người vẫn còn giữ lại hình ảnh những chiếc xe bò chở xác người trên những phố Hà Nội buổi sáng sớm, hình ảnh người nằm chết la liệt ở khắp các con đường, hình ảnh những người kiệt sức, còng queo xếp hàng dài nối nhau đi xin ăn…
Theo lời kể của các nhân chứng được nói trong cuốn sách, nạn đói rất khủng khiếp, nó kéo dài cái chết, khiến nạn nhân bị các cơn đói giày vò, đau khổ tủi nhục. Nạn đói cũng chôn vùi nhân phẩm của con người, làm cho con người mất cả tính người. Đói thì phải đi ăn xin, rồi ăn xin không được thì phải ăn cướp, đi cướp giật, cuối cùng là ăn thịt người. Nạn đói cũng khiến hàng nghìn hộ chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ, hàng chục xóm làng chết cả xóm làng…
Bức tranh lịch sử của Việt Nam ở thời điểm đen tối nhất này được phân tích rất rõ trong cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử. Đây là một công trình khoa học được thực hiện công phu, nghiêm túc, là kết quả của ba đợt điều tra và khảo sát thực tế có quy mô lớn vào các năm 1992, 1993 - 1994, 1994 - 1995 ở 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ tỉnh Quảng Trị trở ra.
Các tác giả đã nghiên cứu và khảo cứu công phu, tìm hiểu chi tiết các tư liệu lịch sử, khảo sát trực tiếp những địa điểm xảy ra nạn đói, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử để dựng lại khá toàn diện bức tranh về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam; đã làm rõ số lượng hơn 2 triệu người chết đói; nguyên nhân dẫn đến nạn đói.
Dựa trên khối tư liệu đồ sộ được xử lý nghiêm túc hiếm có, công trình vừa dựng lại thảm trạng chết đói của người Việt, vừa phân tích cặn kẽ tội ác của phát xít Nhật. Với sự hợp tác của đội ngũ trí thức từ cả hai nước, đây là công trình công phu độc nhất có cái nhìn khách quan thấu suốt vào sự thật lịch sử nạn đói năm 1945 ở Việt Nam.
Chính vì vậy, ấn bản đầu tiên của cuốn sách này công bố cách nay đã gần 30 năm, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/su-that-lich-su-ve-nan-doi-nam-1945-o-viet-nam-185042.html