Sự thật về con thiên nga nhồi len 2.300 năm tuổi ở Siberia
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy con thiên nga nhồi len trong một gò chôn cất ở Siberia. Nó được cho là thuộc nền văn hóa Pazyryk, một dân tộc thời kỳ đồ sắt.
Cùng với những báu vật khác, con thiên nga cao gần 30 cm này được phát hiện trong một gò chôn cất ở Thung lũng Pazyryk thuộc dãy núi Altai, gần biên giới của Nga với Kazakhstan, Trung Quốc và Mông Cổ.
Các nhà khảo cổ học cho rằng, bức tượng có niên đại từ thế kỷ thứ năm hoặc thứ tư trước Công nguyên. Thân của nó được làm từ len tuần lộc đã được chế biến thành nỉ trắng, trong khi mỏ, mắt và đầu cánh được làm từ nỉ đen. Nỉ nâu đỏ được sử dụng cho "bàn chân" và thân được nhồi bằng len tuần lộc.
Bàn chân có chứa những thanh gỗ đỡ con thiên nga ở tư thế thẳng đứng. Những người quản lý tại Bảo tàng Hermitage của Nga ở St. Petersburg, nơi trưng bày bức tượng, cho rằng những thanh gỗ này được dùng để đặt con thiên nga lên cỗ xe gỗ được tìm thấy gần đó, hoặc có thể là trên đỉnh của một cấu trúc giống như lều được dựng lên trên gò chôn cất nhưng đã mục nát từ lâu.
Theo bảo tàng, thiên nga tượng trưng cho sự sống ở ba lĩnh vực: không khí, đất và nước. Thiên nga hoặc một loài chim nước tương tự cũng có thể xuất hiện trong một câu chuyện thần thoại về sự sáng tạo. Họ cho rằng, có một khái niệm phổ biến về sự sáng tạo vũ trụ bởi một con thiên nga, vịt hoặc ngỗng, đây là đặc điểm của nhiều quan niệm về vũ trụ học thời cổ đại.
Theo Đại học Washington, Mỹ, các nhà khảo cổ học Liên Xô đã bắt đầu khai quật các gò chôn cất cổ đại ở Thung lũng Pazyryk vào những năm 1920 và tìm thấy con thiên nga bằng nỉ vào năm 1949. Vì khu vực này cao và lạnh nên nhiều gò chôn cất luôn đóng băng và bảo quản được nhiều vật liệu hữu cơ, bao gồm cả hài cốt con người.