Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp: Đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Quốc hội dành nhiều quan tâm góp ý về quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sáng 14/05, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành Thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất).

Sáng 15/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất). Ảnh: quochoi.vn

Sáng 15/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất). Ảnh: quochoi.vn

Cử tri rất ủng hộ và tích cực tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp qua hệ thống VneID

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đánh giá cao việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 Quốc hội tiến hành một cách thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, được tổ chức quán triệt, triển khai trong cả hệ thống chính trị và lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân. Đặc biệt, việc tăng cường vận động Nhân dân góp ý qua hệ thống VneID.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, cử tri Vĩnh Long rất ủng hộ và tích cực tham gia bằng hình thức này, chỉ trong 3 ngày đã có trên 2.500 lượt ý kiến tham dự. Bởi việc ứng dụng công nghệ số vào lấy ý kiến Nhân dân không chỉ là bước tiến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, mà còn thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ điện tử phục vụ Nhân dân hiệu quả, thiết thực với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: quochoi.vn

Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013, dự kiến sửa đổi 8/120 Điều, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất với nội dung dự thảo trong đó việc sửa đổi bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội là phù hợp với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động và trách nhiệm chính trị trong giai đoạn phát triển mới, phát huy vai trò trực tiếp của Nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân.

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cũng đồng tình quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, đại biểu thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Lê Xuân Thân thống nhất hoàn toàn việc sửa đổi khoản 2 Điều 9 khi quy định Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng thời, tán thành việc sửa đổi quyền đề nghị lập pháp của các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương tại khoản 1 Điều 84. Đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, sáng kiến lập pháp này tập trung ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chứ không còn ở các chủ thể là các tổ chức chính trị - xã hội.

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lê Xuân Thân cũng góp ý, hiện nay Ban soạn thảo đề nghị chỉ sửa 8 điều, tuy nhiên, đại biểu đề xuất sửa 9 điều là tại khoản 8 Điều 96 của Hiến pháp quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng: "Bây giờ chúng ta tập trung đầu mối về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu chỉnh sửa khoản 8 Điều 96 để đảm bảo thống nhất trong các nội dung của Hiến pháp".

Với ý kiến của Đại biểu Lê Xuân Thân, đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tranh luận thêm như sau: Đồng ý các nội dung dự thảo về quy định 5 tổ chức chính trị xã hội được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng nội dung này đã đầy đủ, không cần thiết phải nói là “trực thuộc”. Vì trong khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy thì cơ quan chuyên trách của 5 tổ chức này trực thuộc trong cơ quan thường trực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hoàn toàn đúng, còn về mặt tổ chức thì độc lập theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định.

Đại biểu Vũ Trọng Kim nêu 4 yếu tố để đề nghị Mặt trận giữ nguyên tôn chỉ mục đích mà Hiến pháp đã nêu tại khoản 1: liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động, 4 yếu tố này đặt nền móng cho tổ chức Mặt trận.

Đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng đây là sự sáng suốt, tài tình của Đảng, Hồ Chủ tịch khi lập ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là hình mẫu trong một thế giới văn minh, là tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp trong xã hội. Đại biểu đề nghị bổ sung 5 tổ chức này là thành viên nòng cốt của Mặt trận, còn các tổ chức khác sẽ đứng xung quanh Mặt trận.

Cũng góp ý cho nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, cần quy định cụ thể cơ chế thẩm quyền giám sát xã hội và xử lý kiến nghị của nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này rất cần thiết, kịp thời phản ánh đúng yêu cầu phát triển của đất nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đánh giá cao tinh thần kế thừa và phát triển của dự thảo Luật, đồng thời nhấn mạnh để các quy định sửa đổi thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả, cần có các giải pháp đồng bộ về pháp luật và tổ chức thi hành.

Góp ý về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Điều 9, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cần sớm sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, trong đó cần quy định cụ thể cơ chế thẩm quyền giám sát xã hội và xử lý kiến nghị của nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/sua-doi-bo-sung-hien-phap-dai-bieu-quoc-hoi-gop-y-cac-quy-dinh-ve-mat-tran-to-quoc-viet-nam-179250514111101131.htm