Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp với trách nhiệm cao nhất
Theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 'hết sức cần thiết và kịp thời'. Đây cũng là 'quyết định hệ trọng, cần được tổ chức thực hiện với trách nhiệm cao nhất từ Quốc hội và toàn hệ thống chính trị'.
Cuối giờ sáng ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Chín, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng (Tổ 8) thảo luận ở tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Toàn cảnh phiên thảo luận của Tổ 8 sáng 5/5
Các Đoàn ĐBQH thuộc Tổ 8 bày tỏ sự nhất trí và thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Hiến pháp năm 2013 sau hơn 10 năm thi hành đã phát huy vai trò là đạo luật gốc, nền tảng chính trị - pháp lý cao nhất của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều quy định trong Hiến pháp cần được rà soát, điều chỉnh vì 4 lý do.
Thứ nhất là để phù hợp với yêu cầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đổi mới tổ chức hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ hai là nhằm đáp ứng xu thế phân quyền, quản trị hiện đại, tự chủ địa phương.
Thứ ba là làm rõ hơn vai trò, cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội.
Thứ tư là cập nhật mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đặc khu, chính quyền số và các vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu
"Do đó, việc sửa đổi Hiến pháp là hết sức cần thiết và kịp thời", đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh và bày tỏ đồng thuận với chủ trương nêu trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Thạch Phước Bình, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là "một quyết định hệ trọng, cần được tổ chức thực hiện với trách nhiệm cao nhất từ Quốc hội và toàn hệ thống chính trị"; và phải được thực hiện một cách "thận trọng, minh bạch và có lộ trình rõ ràng".
Góp ý cụ thể, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị Điều 1 về phạm vi sửa đổi, bổ sung cần thêm một đoạn mô tả cụ thể phạm vi sửa đổi như sau: "Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 tập trung vào các nội dung sau: (1) Nhóm quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội gồm các điều 9, 10, 84, 96, 101, 116. (2) Nhóm quy định về tổ chức chính quyền địa phương gồm các điều 110, 111, 112, 113, 114, 115.
Trường hợp phát sinh các nội dung khác cần sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, Ủy ban dự thảo có trách nhiệm báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật".
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, bổ sung quy định trên nhằm giúp minh bạch phạm vi sửa đổi, tạo cơ sở để người dân, chuyên gia, tổ chức xã hội có thể tham gia góp ý đúng trọng tâm.
Cũng theo đại biểu Thạch Phước Bình, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cơ quan trung tâm triển khai quá trình lập hiến. Do vậy, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết cần làm rõ thành phần Ủy ban, bao gồm đại diện Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, giới khoa học pháp lý, đại diện các địa phương. Trách nhiệm: tổ chức lấy ý kiến nhân dân công khai, nhiều hình thức; công bố dự thảo rộng rãi; bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín.
Về lộ trình, từ ngày 6/5 đến ngày 5/6/2025 lấy ý kiến nhân dân và chuyên gia; tiếp đó là hoàn thiện dự thảo và tổng hợp, giải trình chính thức.
Về tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu đề nghị Điều 110 nên sửa theo hướng chỉ quy định nguyên tắc cấp hành chính, không liệt kê tên các cấp cụ thể; loại bỏ thuật ngữ "cấp chính quyền địa phương" để tránh hiểu sai (Điều 111 đến Điều 115); bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm sự ổn định khi sắp xếp lại mô hình tổ chức (Điều 116).