Sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam: Tạo điều kiện thông thoáng cho nhân tài nhập quốc tịch Việt Nam

Thảo luận ở Tổ chiều 17/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đồng tình với dự thảo Luật quy định theo hướng tạo thuận lợi, thông thoáng đối với các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam. Đây cũng là điều kiện để thu hút các nhà tri thức, nhân tài nước ngoài gia nhập quốc tịch Việt Nam, góp phần kết nối tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, đồng thời kết nối người Việt khắp nơi cùng về Việt Nam xây dựng, phát triển đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự phiên thảo luận tại Tổ 17

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự phiên thảo luận tại Tổ 17

Tại Tổ 17 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi và Cà Mau), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã dự Phiên họp Tổ, thảo luận về 3 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Quy định điều kiện thuận lợi cho việc nhập quốc tịch Việt Nam

Về dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, các đại biểu bày tỏ đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa yêu cầu “có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch” theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phân tích về các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đồng tình với việc thiết kế sửa đổi, bổ sung Điều 19 dự thảo Luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài gia nhập quốc tịch Việt Nam, tạo điều kiện cho con, cháu của những người đã mang quốc tịch Việt Nam được nhập trở lại quốc tịch Việt Nam.

Đặc biệt, đại biểu đánh giá rất cao Ban soạn thảo đã thiết kế quy định: “Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định (như: Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập cộng đồng Việt Nam; Thời gian thường trú ở Việt Nam từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam; Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam) nếu có vợ hoặc chồng hoặc con đẻ là công dân Việt Nam”. Theo đại biểu, quy định như trên là rất thuận tiện cho việc nhập quốc tịch Việt Nam khi đã bỏ điều kiện “Đang thường trú ở Việt Nam”.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cũng đồng tình cao với khoản 2a Điều 19 dự thảo Luật quy định, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể nhập quốc tịch Việt Nam nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a, Có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại bà bà ngoại là công dân Việt Nam;

b, Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c, Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

d, Người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng phân tích: “Quy định như trên sẽ tạo điều kiện không những cho những người đang sinh sống ở Việt Nam, mà còn cho những nhà tri thức, khoa học ủng hộ, có lợi Việt Nam trên thế giới có thể nhập quốc tịch Việt Nam. Việc bỏ một số điều kiện sẽ tạo thuận lợi hơn cho họ nhập quốc tịch Việt Nam”.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cũng cho rằng, việc bỏ các điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam như dự thảo Luật sẽ tạo thông thoáng để những người có tài, ủng hộ Việt Nam trên thế giới gia nhập quốc tịch Việt Nam, từ đó cũng mang hình ảnh đẹp của Việt Nam đến với quốc tế.

Đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu.

Đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu.

Bày tỏ đồng tình về Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam, đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, quy định người “Có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại bà bà ngoại là công dân Việt Nam” có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện (gồm: Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập cộng đồng Việt Nam; Đang thường trú ở Việt Nam; Thời gian thường trú ở Việt Nam từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam; Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam) là thuận lợi đối với trẻ em.

Rà soát các Luật có liên quan, làm rõ hơn cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch Việt Nam

Đại biểu Lò Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu.

Đại biểu Lò Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu.

Theo đại biểu Lò Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với khoảng 6 triệu người ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, nhiều người Việt Nam cũng có đề đạt và nguyện vọng muốn trở về Việt Nam để xây dựng quê hương, đất nước. Việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam và được cấp quốc tịch Việt Nam là mong mỏi của rất nhiều người. Vì vậy xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam là rất cần thiết và phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.

Tuy nhiên, theo đại biểu, khi chúng ta mở rộng các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam, số lượng người xin gia nhập quốc tịch Việt Nam sẽ tăng lên. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ có phát sinh nguồn lực hay không; rà soát với các luật khác như Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Hành chính, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam…để tạo điều kiện cho người dân và các đối tượng được nhập quốc tịch. “Nhất là đối với nhóm đối tượng sẽ có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch Việt Nam để phát triển và trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chúng ta phải rà soát để cho thuận lợi, thuận tiện nhất. Về các thủ tục hành chính, theo tôi nên số hóa các mẫu biểu, văn bản để cho người ta tiếp cận nhanh nhất, mất ít thời gian đến các trụ sở”, đại biểu Lò Thị Việt Hà nhấn mạnh, đồng thời đề nghị sử dụng công nghệ để quản lý các số liệu để khi triển khai, thi hành Luật có hiệu quả.

Các đại biểu Quốc hội tham dự buổi họp Tổ

Các đại biểu Quốc hội tham dự buổi họp Tổ

Còn theo đại biểu Trần Thị Hồng An, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, việc quy định các Điều kiện được nhập Quốc tịch Việt Nam thông thoáng là rất cần thiết, tuy nhiên, quy định như Khoản 1 Điều 19 “Thời gian thường trú ở Việt Nam từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam” là chưa rõ, đây là 05 năm liên tục hay thời gian cộng dồn. Bên cạnh đó, dự thảo quy định tại khoản e “Có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam” là chưa rõ về định lượng. Cũng theo đại biểu, cơ chế đặc biệt mà Nghị quyết 57 nhắc đến là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhà khoa học, các chuyên gia người nước ngoài, thu hút nguồn lực chất lượng cao vào Việt Nam, nhưng những nội hàm khoản 2a Điều 19 lại chưa thể hiện rõ được cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch.

Đồng tình với việc mở rộng thêm các đối tượng trong việc nhập quốc tịch và xin trở lại quốc tịch Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hồng An cũng lưu ý cần đánh giá kỹ các tác động liên quan đến các vấn đề như: an ninh quốc gia, quản lý công dân, việc phát sinh xung đột pháp luật của những người có 2 quốc tịch, xử lý khó khăn trong truy bắt, dẫn độ về Việt Nam. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát với Luật Dẫn độ đang được trình, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, đồng thời đánh giá kỹ hơn chi phí tuân thủ khi ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Một số hình ảnh tại buổi họp Tổ 17:

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu.

Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu.

Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu.

Đại biểu Lò Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu.

Đại biểu Lò Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tổ 17

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tổ 17

Khắc Phục - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94174