Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013: Sửa đổi quy định về chính quyền địa phương để mở đường phát triển đất nước
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung, trong đó có nhóm các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Nhiều ý kiến đã thể hiện sự quan tâm về nhóm nội dung này với mong muốn đây sẽ là cơ hội đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu thảo luận tại Tổ 14 về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. (Ảnh: Hồ Long)
Đạt đồng thuận cao từ các cấp ủy và Nhân dân
Mới đây, thảo luận tại Tổ 14 về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, được sự ủng hộ cao của Nhân dân. Qua việc lấy ý kiến của các địa phương về sắp xếp bộ máy, tỷ lệ Nhân dân ủng hộ cao, cơ bản đạt 99%, cá biệt có địa phương đạt 100%. Dư luận quốc tế cũng đánh giá cao.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, mục tiêu tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại bộ máy có chất lượng nhằm mở ra không gian kinh tế mới phát triển tốt hơn cho từng địa phương và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
“Việc ích nước, lợi dân, được nhiều người ủng hộ nên phải làm rất khẩn trương. Nếu chần chừ sẽ tạo sự phân tâm, không tập trung các nguồn lực cùng sự chỉ đạo cho nhiệm vụ rất quan trọng là tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, làm các nhiệm vụ an sinh xã hội”. Do đó, “sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để mở đường cho sự phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng chia sẻ, Hiến pháp là đạo luật gốc. Muốn sửa đổi phải trưng cầu ý dân, tổng kết quá trình thực hiện. Bộ Chính trị, Trung ương nhận thấy Hiến pháp năm 2013 đã được soạn thảo rất kỹ và được vận hành tương đối tốt. Chúng ta đang thực hiện sắp xếp bộ máy nên việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 sẽ chỉ tập trung vào hai nhóm nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương như Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “để mở đường cho sắp xếp bộ máy”.
Thảo luận tại Tổ 3, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cũng nhấn mạnh, chủ trương của Trung ương đã rõ, tinh thần chỉ đạo cũng rất cụ thể, đó là cần làm khẩn trương, quyết liệt, song phải chắc chắn và tuân thủ nghiêm quy định của Hiến pháp, pháp luật... Do vậy, trong quá trình nghiên cứu và triển khai, cần có sự tham mưu của các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan liên quan.
Liên quan đến tổ chức bộ máy, phạm vi sửa đổi của Hiến pháp tập trung ở một số điều, như Điều 9, Điều 10, Điều 84 (vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội); Điều 110 - 115 (Tổ chức chính quyền địa phương)..., ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh: Các quyết định gần đây của Nhà nước, đặc biệt trong phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng như cấp xã, đều nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp ủy và Nhân dân địa phương.
Cần quy định rõ về các cấp chính quyền địa phương
Bày tỏ hoàn toàn đồng tình với chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 nhằm kịp thời phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng: Các quy định về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp được dự kiến sửa đổi, bổ sung lần này sẽ tạo sự chuyển biến mang tính đột phá trên nhiều phương diện, tạo động lực lớn cho cải cách, phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý một số quy định phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn, bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, các xã, phường.
Về mô hình tổ chức HĐND, UBND các xã, một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về mô hình tổ chức UBND linh hoạt bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, vùng miền và đúng với tinh thần tinh gọn bộ máy tổ chức. Tương tự, đối với mô hình của HĐND cấp xã, không nên quy định cứng trong luật, mà giao cho cơ quan có thẩm quyền quy định mô hình tổ chức, hoặc điều chỉnh lĩnh vực hoạt động của các Ban HĐND cấp xã. Có ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng thẩm quyền của UBND tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể linh hoạt trong tổ chức các cơ quan chuyên môn.
Có ý kiến băn khoăn khi cũng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội xem xét cả dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Tuy nhiên, với nội dung về mô hình chính quyền các cấp, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nêu rõ “Đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành 2 cấp”. Nhưng trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 không nêu rõ nội dung này. Do đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm nội dung này.
Thảo luận tại Tổ 16, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cũng đề cập điều khoản trong dự thảo Nghị quyết còn chưa hợp lý. Cụ thể, khoản 2 Điều 111 dự thảo Nghị quyết quy định: “Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định”. Quy định chung chung như vậy chưa thể hiện rõ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương cũng chưa bảo đảm nguyên tắc đề cao quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương.
Chỉ rõ vấn đề trên, ông Trần Văn Khải cho rằng, điều này chưa đúng với tinh thần “nhất quán nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh cũng như mục tiêu phát huy vai trò chủ động của chính quyền cơ sở trong phục vụ Nhân dân.
Do đó, ông Khải đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 111 theo hướng quy định rõ các cấp chính quyền địa phương. Cụ thể: “Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở cấp tỉnh và cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn), bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Không tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính trung gian; các trường hợp đặc biệt khác do Quốc hội quy định”. Nội dung này sẽ thay thế cho quy định tại khoản 2 Điều 111.
Ông Trần Văn Khải nhấn mạnh, sửa đổi như vậy mới xác lập dứt khoát mô hình chính quyền 2 cấp, vừa hiến định rõ ràng quyền tự chủ, đại diện của Nhân dân ở địa phương, vừa giữ vững tính thống nhất, thông suốt của bộ máy nhà nước. “Qua đó, Hiến pháp sửa đổi sẽ thật sự trở thành nền tảng vững chắc cho một nền quản trị dân chủ, hiệu quả, phát huy cao độ vai trò của địa phương, đúng như tinh thần chỉ đạo vì nước, vì dân của Đảng”, ông Khải khẳng định.