Sửa đổi Luật Báo chí: Phát huy hiệu quả báo chí trong thời đại mới
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Thanh Hóa Lê Văn Nam, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để báo chí phát triển là cần thiết.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Lê Văn Nam. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến với nhiều nội dung điều chỉnh quan trọng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Nam khẳng định Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) thể hiện sự tiếp thu và cập nhật các xu hướng mới của hoạt động báo chí, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, mạng xã hội và sự phát triển của báo chí đa phương tiện. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để báo chí hoạt động, phát triển là cần thiết. Việc này sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời khắc phục tồn tại, bất cập hiện có.
Cũng theo ông Lê Văn Nam, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã có sự phân định rõ nét giữa các cơ quan báo chí và các tạp chí. Tuy nhiên, cần có sự phân loại rõ đặc thù cho từng loại hình tạp chí, nhất là tạp chí khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện… cũng như vai trò của tạp chí đó trong truyền thông khoa học để giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát, quản lý chặt chẽ hơn. Từ đó xem xét, cân nhắc trong việc cấp thẻ nhà báo cho hoạt động của các tạp chí này hoặc điều chỉnh, giới hạn phạm vi tác nghiệp phù hợp chức năng, nhiệm vụ của tạp chí.
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nên có quy định ban hành mẫu giấy phép riêng đối với loại hình tạp chí khoa học cũng như bổ sung quy định cụ thể về loại hình báo, tạp chí nào được mở Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú tại các địa phương. Từ đó có quy định số lượng phóng viên của các văn phòng đại diện, nhất là Tạp chí tại các địa phương, tránh tình trạng Trưởng văn phòng tự tuyển dụng phóng viên, nhân viên làm kinh tế báo chí, ký kết hợp đồng tuyên truyền, quảng cáo…
Dự thảo cần quy định, phân cấp trách nhiệm của cơ quan quản lý tại địa phương đối với hoạt động báo chí, cụ thể như, việc cho và dừng hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương.
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), nhà báo Trịnh Duy Hoàng, nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Thanh Hóa, cho rằng đây là văn bản quan trọng nhằm cập nhật và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động báo chí trong bối cảnh phát triển công nghệ số và hội nhập quốc tế tại Việt Nam. Dự thảo đã bổ sung “kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng,” “xuất bản báo chí trên không gian mạng,” “mạng xã hội” vào khái niệm báo chí và sản phẩm báo chí. Việc sửa đổi này là phù hợp và giúp bổ sung quy định hoạt động báo chí trên không gian mạng - là những nội dung Luật báo chí 2016 chưa đề cập tới.
Ông Trịnh Duy Hoàng quan tâm đến nội dung cấp phép hoạt động báo chí. Hiện nay, số lượng cơ quan báo chí của cả nước tương đối nhiều với gần 900 cơ quan, đơn vị, trong đó, việc quy định về tôn chỉ, mục đích của nhiều cơ quan báo chí vẫn còn mang tính định tính hoặc chưa cụ thể dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.
Thực tế công tác cho thấy một số tờ báo, tạp chí chưa hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đưa tin chưa khách quan, vụ lợi, thậm chí sai lệch gây ảnh hưởng xấu tới nền báo chí nói chung. Đồng thời, vẫn còn nhà báo vi phạm Luật Báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Vì vậy, ông Trịnh Duy Hoàng đề nghị Luật Báo chí (sửa đổi) cần xem xét quy định rõ hơn nội hàm tôn chỉ, mục đích hoạt động của các cơ quan báo chí nói chung, tạp chí nói riêng, trong đó, cần nghiên cứu quy định lượng hóa, cụ thể hơn nữa về tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí sao cho phù hợp chức năng, lĩnh vực của cơ quan, đơn vị chủ quản báo chí./.