Sửa đổi Luật Thủ đô: Tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô
Trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chính phủ đề xuất nhiều chính sách mới. Đáng chú ý là quy định chi thu nhập tăng thêm cho cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô và một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Trong Tờ trình dự án Luật, Chính phủ viện dẫn Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu: “Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý”.
Để thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, dự thảo Luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội có tính chất đặc thù.
Đồng thời, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên do thành phố Hà Nội quản lý.
Mức chi thực hiện theo năng lực, hiệu quả công việc, ngoài việc chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước.
Tổng mức chi phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của Thành phố và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Chính sách tương tự này hiện đang được áp dụng đối với thành phố Hồ Chí Minh (theo Nghị quyết số 98/2023/QH15).
Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết. Qua đó, bảo đảm đời sống, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, vẫn có ý kiến băn khoăn về việc quy định nội dung này thành một chính sách để áp dụng ổn định, lâu dài. Bởi Nghị quyết số 27-NQ/TW mới chỉ đặt vấn đề thực hiện thí điểm cơ chế chi thu nhập bình quân tăng thêm đối với một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách, chứ chưa được tổng kết, đánh giá để áp dụng ổn định, lâu dài.
Bên cạnh đó, theo kết luận của Hội nghị 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2024. Do đó, ý kiến này đề nghị Chính phủ tiếp tục cân nhắc việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, để tạo sức hút cho Thủ đô phát triển, phải có các chính sách đặc thù. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo tính chất bao trùm, khung khổ pháp lý rộng hơn. Đại biểu nhấn mạnh tại Điều 4 dự thảo Luật cần nêu rõ, các quy định khác trái với Luật Thủ đô thì phải áp dụng Luật Thủ đô. Sau này khi ban hành các luật mới mà đòi hỏi Luật Thủ đô phải tuân thủ thì cũng phải ghi rõ vào trong luật đó, nếu không thì vẫn áp dụng Luật Thủ đô.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, chính quyền của Thủ đô không giống chính quyền của địa phương khác, vì chính quyền địa phương khác chỉ giải quyết những vấn đề quản trị của địa phương đó, còn Thủ đô, chính quyền phải giải quyết những vấn đề của cả quốc gia với vai trò là Thủ đô.
Đây là cơ sở để đề xuất đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phải đông hơn, chuyên nghiệp hơn và tiêu chuẩn tham gia phải cao hơn; trao quyền, trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân, vai trò của người đứng đầu phải lớn hơn nữa.
“Khi bộ máy phải thực hiện chức trách nhiệm vụ lớn như thế, thì chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô cũng phải khác biệt. Ở đây chúng ta chỉ đưa ra mức quy định tăng không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Với quỹ tiền lương như vậy, mức chế độ tiền lương cho từng cá nhân là bao nhiêu, tôi đề nghị trong Luật Thủ đô không giới hạn. Với quỹ tiền lương như thế, tổ chức bộ máy hiệu quả hơn, tinh gọn hơn thì trả lương cho cán bộ cao hơn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng, đây chính là hình mẫu của Thủ đô để tạo ra tính chất, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý, làm sao tiết kiệm nhưng lại tạo ra được hiệu lực tốt hơn. Vì vậy về mặt chính sách tiền lương, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần và chế độ tiền lương cho từng người không có mức giới hạn.
Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn thành phố Cần Thơ) cho rằng, quy định về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 18 dự thảo Luật) còn chung chung.
Cụ thể như quy định “một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương”. Nếu quy định như vậy, sẽ có số lượng công chức, viên chức rất lớn, chưa kể một số ngành nghề đã được hưởng phụ cấp, thu nhập tăng thêm do tính đặc thù, độc hại nghề nghiệp như công an, quân đội... nếu có thêm chính sách này nữa thì sẽ không phù hợp. Theo đại biểu, dự thảo Luật cần nêu cụ thể ngành nào để có cơ sở thiết kế chế độ, chính sách mang tính khả thi hơn.
Đồng thời, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng cần chỉnh sửa quy định về áp dụng Luật Thủ đô tại Điều 4 theo hướng: “Nếu trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành mà có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi nhiều hơn so với luật này thì có thể áp dụng các quy định có lợi nhất cho Thủ đô”.
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) cũng góp ý nội dung này. Theo đại biểu, dự thảo Luật cần quy định làm sao cho phù hợp, chặt chẽ, đảm bảo bám sát lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024 mà Hội nghị Trung ương 8 (khóa 13) vừa mới thảo luận.