Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần nghiên cứu kỹ, đánh giá cụ thể
Ông Nguyễn Hữu Tân, Chánh văn phòng Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có tác động tới nhiều đối tượng nên cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá cụ thể khi xây dựng luật.
Trong đề án xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính cho rằng, cần có luật mới nhằm giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, nhà nước như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng,...
Bên cạnh đó, để bảo đảm không gia tăng sử dụng rượu, bia trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia đảm bảo mức tăng giá rượu, bia sau khi điều chỉnh phải tăng kịp theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
Dự kiến tiến độ của dự án Luật như sau: Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023). Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024).
Góp ý về nội dung này, ông Nguyễn Hữu Tân, Chánh văn phòng Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế khẳng định, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã thực hiện trong một thời gian dài và cần phải sửa đổi hoàn chỉnh. Do đó, việc Bộ Tài chính chủ trì, lập dự án trình Chính phủ là cần thiết và đầy đủ.
Tuy nhiên, theo ông Tân, do các đối tượng dự kiến điều chỉnh trong luật nhiều, có tác động lớn đối với các ngành trong xã hội, vì vậy cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự phản biện nhiều chiều và có tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
“Tôi nghĩ dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi cần được tiếp tục nghiên cứu đánh giá, có thêm nhiều thông tin cụ thể, nhiều dữ liệu sẽ giúp cho cơ quan soạn thảo xây dựng luật tốt hơn. Việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế rất quan trọng. Cơ quan soạn thảo cần tập hợp, nghiên cứu cụ thể hơn, những nước đã áp dụng, đã bỏ trong điều kiện nào. Từ đó áp dụng tại Việt Nam như thế nào cho phù hợp sẽ thuyết phục hơn”, ông Nguyễn Hữu Tân nhấn mạnh.
Liên quan đến đề xuất doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn, chưa nên đưa ra việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại diện VTCA cho rằng, để xây dựng được dự án luật cần có thời gian nghiên cứu, đề xuất, xin ý kiến. Do đó trong giai đoạn hiện nay đề cập đến việc sửa đổi luật là phù hợp.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh việc cơ quan tham mưu soạn thảo nên đánh giá sự cần thiết của việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt một cách kỹ lưỡng, phải tính đến từng loại sản phẩm, không thế đánh giá chung chung.
Cũng theo ông Hiếu, cần phải có lộ trình cụ thể về thời gian thay đổi thuế suất đối với các mặt hàng, phương pháp đánh thuế. Thời gian này bằng thời gian doanh nghiệp bị tác động có thể duy trì sản xuất kinh doanh cộng với thời gian cần thiết để doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh nếu như có sự thay đổi luật.
Đặc biệt, khi ban hành một văn bản pháp luật cần lưu ý việc không làm ảnh hưởng đến việc cạnh tranh lành mạnh của các nhóm doanh nghiệp khác nhau, không được đưa ra sự bất lợi trong việc cạnh tranh.