SỬA ĐỔI LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT: ĐẢM BẢO TÍNH MINH BẠCH, DỄ HIỂU, DỄ THỰC HIỆN
Chiều 14/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)'. TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ: Hội tư vấn thuế; Viện Chiến lược và chính sách Y tế - Bộ Y tế; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Học viện Tài chính;… cùng đại diện một số đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây.
Cũng theo Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã qua 04 lần sửa đổi, bổ sung để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế từng giai đoạn. Qua 16 năm thực hiện, Luật thuế TTĐB đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, quá trình tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc; đặc biệt nhiều chính sách, luật liên quan được ban hành mới, do đó đặt ra đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi Luật Thuế TTĐB nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Nhấn mạnh mục tiêu cung cấp thông tin khoa học phục vụ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình cho ý kiến đối với dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển đề nghị, các đại biểu tham góp ý kiến khách quan, toàn diện vào các nội dung, quy định cụ thể tại dự thảo Luật.
Dự thảo Luật đã bám sát theo 07 nhóm chính sách tại Hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thông qua. Theo đó, dự thảo Luật được thiết kế gồm 04 chương, 12 Điều, sửa đổi quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, thời điểm xác định thuế TTĐB, thuế suất, hoàn thuế, khấu trừ thuế, thời điểm xác định thuế TTĐB, thuế suất, hoàn thuế, khấu trừ thuế và giảm thuế TTĐB.
Góp ý tại hội thảo, các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật thuế TTĐB (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN…
Để hoàn thiện dự thảo luật, các ý kiến tập trung góp ý vào nhiều nội dung trọng tâm như: Căn cứ tính thuế; giá tính thuế; thời điểm xác định thuế tiêu thụ đặc biệt; nội dung hoàn thuế, khấu trừ thuế; giảm thuế; thuế suất đối với đồ uống có đường, có ga;..
Về đối tượng chịu thuế TTĐB, nhiều ý kiến tán thành mở rộng cơ sở thuế, tuy nhiên, cần rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng đảm bảo đồng bộ với pháp luật chuyên ngành có liên quan và luật hóa các quy định đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư.
Về đối tượng không chịu thuế TTĐB, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 3 của dự thảo luật về đối tượng không phải chịu thuế là dịch vụ phục vụ hoạt động chữ thập đỏ (hoạt động nhân đạo), như dịch vụ phục vụ hội nghị, khách sạn, nhà hàng,… cho hoạt động nhân đạo/hoạt động chữ thập đỏ. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét lại một số quy định về hoạt động của khu phi thuế quan, hàng hóa nhập vào, bán ra từ khu phi thuế quan… quy định tại Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu; Luật thuế GTGT để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực thi.
Về căn cứ tính thuế, đề xuất nghiên cứu thay tổng của số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp theo phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và số thuế phải nộp theo phương pháp tính thuế tuyệt đối; bằng tổng hợp hai phương phương pháp tính thuế. Cụ thể: Căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp là tổng hợp hai phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và số thuế phải nộp theo phương pháp tính thuế tuyệt đối theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5.
Cũng theo các đại biểu, quá trình hoàn thiện dự luật, cần lưu ý tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi nhằm tránh gây tác dụng ngược như lách luật, chuyển sang dùng thứ khác có tác hại nhiều hơn… Việc áp thuế suất nên theo nồng độ cồn, hàm lượng đường, tránh cào bằng.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, các quy định sửa đổi cần hướng tới cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thực hiện quản lý thuế điện tử, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế,… Đồng thời, lưu ý vừa qua có nhiều Luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, vì vậy cần rà soát kỹ lưỡng quy định sửa đổi tại Luật thuế TTĐB bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các Luật như: Luật Hải quan năm 2014; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012; Luật Phóng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019; Luật Doanh nghiệp năm 2020;…
Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều thông tin phong phú, đa chiều, khách quan. Các ý kiến tại hội thảo đều tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thuế TTĐB đồng thời góp ý toàn diện vào nhiều điều, khoản cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, thông tin góp ý tại hội thảo sẽ được Viện nghiên cứu lập pháp nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ và xây dựng thành báo cáo phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 36 tới đây./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88584