Sửa đổi quy định về bảo vệ chống phóng xạ và bảo vệ bệnh nhân trong chiếu xạ y tế

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất bổ sung các quy định về bảo vệ chống phóng xạ và bảo vệ bệnh nhân trong chiếu xạ y tế; văn hóa an toàn hạt nhân.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Về sự cần thiết phải xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử (Luật số 18/2008/QH12) được Quốc hội Khóa XII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03/6/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009.

Luật năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018) và Luật Phòng thủ dân sự (Luật số 18/2023/QH15 ngày 20/6/2023).

Để triển khai Luật năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành 9 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 24 quyết định (trong đó có 4 quyết định quy phạm pháp luật) và ban hành theo thẩm quyền 55 thông tư. Các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai các quy định của Luật năm 2008 và văn bản hướng dẫn thi hành trong thực tiễn.

Qua 15 năm thi hành, Luật năm 2008 đã phát huy vai trò to lớn trong việc thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động đó. Hành lang pháp lý về năng lượng nguyên tử ngày càng được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ứng dụng kỹ thuật bức xạ, kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường và nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác; góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiêp hóa - hiện đại hóa đất nước, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, Luật năm 2008 và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật này đã tạo hành lang pháp lý để củng cố và hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh cho nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân và không phổ biến hạt nhân nhằm mục tiêu phát triển an toàn và bền vững các ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất bổ sung các quy định về bảo vệ chống phóng xạ và bảo vệ bệnh nhân trong chiếu xạ y tế. Ảnh minh họa

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất bổ sung các quy định về bảo vệ chống phóng xạ và bảo vệ bệnh nhân trong chiếu xạ y tế. Ảnh minh họa

Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau 15 năm triển khai thi hành Luật năm 2008 đã nảy sinh những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ nói chung và kỹ thuật bức xạ, kỹ thuật hạt nhân nói riêng, cũng như việc sửa đổi, bổ sung của nhiều luật có liên quan đến việc thi hành Luật năm 2008 phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ, ngành; thiếu tính khả thi, chưa phù hợp tình hình mới, gây khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện cho đối tượng quản lý cũng như cơ quan quản lý.

Cụ thể, một số quy định không phù hợp hoặc không còn phù hợp như quy định chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Luật năm 2008 còn chưa thể hiện đầy đủ việc chú trọng đẩy mạnh các ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về điều kiện tiến hành công việc bức xạ, về thủ tục hành chính không phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều quy định về cấp giấy phép, cấp đăng ký, cấp chứng chỉ như: thẩm quyền, thời gian xử lý và thành phần hồ sơ, thời hạn giấy phép, giấy đăng ký, chứng chỉ chưa phù hợp, thiếu khả thi trong thực tế. Điều này gây khó khăn cho đối tượng quản lý và cơ quan quản lý khi xử lý (đây là nội dung có nhiều quy định cần phải sửa đổi, bổ sung nhất).

Theo Luật Năng lượng nguyên tử hiện hành, đối tượng để được cấp phép tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam bao gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam, tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động tiến hành công việc bức xạ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam nhưng không thành lập tổ chức theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc cá nhân không sinh sống tại Việt Nam nên không đáp ứng quy định để cấp phép. Điều này tạo ra sự bất cập, khó khăn trong việc cấp phép thời gian qua.

Quy định về dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử, ví dụ: theo Luật Giá năm 2023, “định giá” không phải là một loại hình dịch vụ như quy định tại Điều 68 Luật năm 2008; điều kiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử còn “lỏng lẻo”. Quy định về bồi thường thiệt hạt nhân chưa phù hợp với các công ước quốc tế liên quan….

Thêm vào đó, có các quy định cần phải bổ sung như quy định hiện hành chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc an toàn, an ninh cơ bản; chưa đưa ra các quy định về bảo vệ chống phóng xạ và bảo vệ bệnh nhân trong chiếu xạ y tế; văn hóa an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân.

Chưa quy định về chính sách dài hạn của quốc gia trong việc quản lý chất thải phóng xạ; nhiên liệu hạt nhân và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; trách nhiệm bảo đảm tài chính, nguồn và cơ chế bảo đảm tài chính (phí, quỹ,…); cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện các nội dung này. Thực tiễn hiện nay yêu cầu cần có các quy định mang tính nguyên tắc về cơ chế bảo đảm tài chính (phí, quỹ) cho việc quản lý tập trung, chôn cất vĩnh viễn các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, nguồn phóng xạ ngoài sự quản lý; quản lý sắt thép phế liệu bị nhiễm xạ.

Nội dung về thanh sát hạt nhân, trách nhiệm và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về an ninh hạt nhân, thanh sát hạt nhân và các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân chưa được quy định đầy đủ theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và theo cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia (Xem mục I).

Chưa đưa ra các quy định đặc thù trong hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình thực hiện hoạt động thanh tra phải tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, lĩnh vực khoa học và công nghệ (năng lượng nguyên tử). Thẩm quyền của cơ quan thanh tra, thanh tra viên chưa được quy định nhằm đáp ứng tính đặc thù, phản ứng nhanh, xử lý các nguy cơ gây ra sự cố mất an ninh, an toàn từ vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, nhiều quy định về kiểm tra an toàn bức xạ và hạt nhân hiện đang được quy định “rải rác”, “rời rạc” tại các điều, khoản, điểm của Luật năm 2008 mà chưa được thể hiện thống nhất trong cùng một điều, chương nhằm tạo sự thuận tiện trong việc thực thi của các đối tượng chịu sự điều chỉnh và cơ quan quản lý.

Còn thiếu quy định về ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân liên quan đến trách nhiệm của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân; mối quan hệ giữa kế hoạch ứng phó sự cố các cấp (cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp quốc gia); việc tích hợp kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở vào kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh, kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh vào kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia; mối liên hệ với pháp luật về phòng thủ dân sự, pháp luật về tình trạng khẩn cấp và ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân xuyên biên giới.

Việc quy định “Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc lập kế hoạch và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh” còn có thể dẫn đến hiểu chưa rõ ràng về trách nhiệm của Bộ KH&CN và sự phù hợp các quy định của pháp luật về chính quyền địa phượng.

Bên cạnh đó, Luật năm 2008 chưa dự báo đầy đủ sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng năng lượng nguyên tử, các kỹ thuật bức xạ, kỹ thuật hạt nhân mới, đặc biệt ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng trong thời gian qua.

Từ cơ sở thực tiễn nêu trên cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 là hết sức cần thiết.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-doi-quy-dinh-ve-bao-ve-chong-phong-xa-va-bao-ve-benh-nhan-trong-chieu-xa-y-te-338162.html