Sửa đổi quy định về mức dư nợ vay của chính quyền địa phương
Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống 2.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình dự Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).
Chiều 14/5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).
Dự thảo Luật có 7 chương, gồm 76 điều; phạm vi điều chỉnh là các quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, công khai, giám sát ngân sách nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước.
Dự thảo đã sửa đổi, hoàn thiện nhiều nội dung. Trong đó, quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 và nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành.
Dự thảo cũng bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí chi ngân sách Nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; điều chỉnh tăng mức bố trí dự phòng từ 2% đến 5%;
Bổ sung quy định phạm vi chi từ nguồn dự phòng đối với bổ sung chi dự trữ quốc gia; nhiệm vụ đối ngoại đột xuất, cấp bách của Nhà nước; chia sẻ phần giảm doanh thu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Luật cũng bổ sung nhiều quy định mới. Trong đó, bổ sung 1 điều về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng trong quy định việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm sau.
Giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan trung ương chi tiết chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phân bổ chi tiết đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết; sử dụng dự phòng ngân sách trung ương.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Theo báo cáo, về nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước (khoản 11 Điều 8), dự thảo Luật bổ sung quy định về các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên) so với quy định hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị không bổ sung nội dung trên, do:
Một số nội dung chi đã được quy định tại Nghị định 138/2024/NĐ-CP; chi cho công tác quy hoạch liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Để bảo đảm không luật hóa các nội dung của Nghị định, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị không bổ sung các nội dung trên tại dự thảo Luật; đề nghị Chính phủ hướng dẫn thực hiện theo đúng thẩm quyền, bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Đối với nội dung về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (Điều 35), về nguyên tắc, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản nhất trí với việc thay đổi phương thức phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Bỏ quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách.