Sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải hướng tới 'đúng vai thuộc bài'
Theo Thủ tướng, sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này hướng tới 'đúng vai thuộc bài', phân biệt rõ cơ quan hành pháp, lập pháp.
![Thủ tướng trong phiên thảo luận tổ sáng 12/2. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_207_51457807/47cdee54d91a3044690b.jpg)
Thủ tướng trong phiên thảo luận tổ sáng 12/2. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Sáng 12/2, sau phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, các Đoàn Đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật, trong đó có dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Thực tiễn có vướng mắc thì phải sửa Luật
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã mang lại những kết quả tốt như hoàn thiện các trình tự, thủ tục ban hành văn bản; sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra…
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sẽ phát sinh những mâu thuẫn mới cần giải quyết nên việc sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này là việc bình thường vì phải giải quyết các mâu thuẫn mới thì tiếp tục phát triển được.
Bên cạnh đó, chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức. Đây là chủ trương lớn của Đảng, trên thực tế chúng ta đã làm sắp xong, trong tháng 2 cố gắng xong tất cả các tổ chức để tháng 3 bắt đầu vận hành. Khi mới vận hành, có thể có thuận lợi cũng có thể có vướng mắc, trục trặc, thì chúng ta tiếp tục điều chỉnh.
![Thủ tướng phát biểu phiên thảo luận tổ sáng 12/2. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_207_51457807/9c152b8c1cc2f59cacd3.jpg)
Thủ tướng phát biểu phiên thảo luận tổ sáng 12/2. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Cũng theo Thủ tướng, sửa Luật lần này hướng tới “đúng vai thuộc bài”, phân biệt rõ cơ quan hành pháp, lập pháp. Càng rõ thì càng dễ đánh giá, dễ xác định trách nhiệm; đồng thời, phân cấp theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân. “Một nguyên tắc nữa là từ thực tiễn có vướng mắc thì phải sửa Luật”, Thủ tướng nói.
Một thay đổi đáng chú ý của dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo. Trong đó, cơ quan trình quyết định chính sách, thực hiện soạn thảo và trình Quốc hội quyết định dự thảo nhằm tạo sự linh hoạt, mở rộng tối đa quyền cho cơ quan trình, nhất là Chính phủ để Chính phủ linh hoạt, chủ động điều hành, ứng phó với các tình huống của thực tiễn.
“Đây là sự đổi mới. Phân định như vậy để rõ trách nhiệm, song vẫn phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra như hiện nay”, Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng, việc dự thảo Luật bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật là rất cần thiết vì thực tiễn có nhiều vấn đề cấp bách, quan trọng, cụ thể, Chính phủ phải ra nghị quyết để xử lý.
Dẫn thực tế Chính phủ phải ban hành các quy định để ứng phó dịch bệnh, thiên tai, Thủ tướng cho biết: “Mấy năm trước dịch COVID, Chính phủ phải ban hành nghị quyết để làm. Hay như bão Yagi vừa rồi, mưa bão lụt như thế thì phá đập hay không, có di dân hay không, bởi di dân là hàng chục nghìn người trong đêm. Phải có người quyết định. Chỗ này phải rạch ròi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vấn đề biến động thì cần trao quyền cho cơ quan hành pháp”.
Theo Thủ tướng, nước ta bây giờ hội nhập sâu, rất nhiều thứ phải ứng phó mà luật pháp chưa dự báo hết được. Vì vậy, luật pháp cần quy định khung mang tính nguyên tắc, để dư địa cho cơ quan hành pháp linh hoạt thực hiện hiệu quả, miễn là đừng tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm. Đồng thời, cần đề ra không gian cho sự sáng tạo và bảo vệ người sáng tạo, chấp nhận rủi ro, như Nghị quyết số 57 vừa rồi là chấp nhận rủi ro, không truy cứu người không có động cơ vụ lợi.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề xuất: “Cơ chế tham vấn chuyên gia, nhà khoa học cũng rất cần thiết, bản thân tôi cũng hay hỏi chuyên gia, nên bổ sung vào dự thảo Luật”.
Phải tăng cường vai trò của cơ quan trình
Dự thảo Luật cũng quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật. Trong đó, dự thảo Luật sửa đổi quy định cơ quan trình báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo, thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút như hiện tại.
![Chủ tịch Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ sáng 12/2. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_207_51457807/5cdfe846df0836566f19.jpg)
Chủ tịch Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ sáng 12/2. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Nêu ý kiến tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành định hướng là phải tăng cường vai trò của cơ quan trình, cơ quan trình phải chịu trách nhiệm đến cùng. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trước đây, cơ quan trình làm 50-60%, đưa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban hết sức vất vả.
“Báo cáo các đồng chí, có luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội ngồi 7-8 cuộc, như Luật Đất đai 2024. Việc này nhiều lần tôi đã nhắc nhở trong các cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật. Không thể giao cho Thứ trưởng, Vụ trưởng mà Bộ trưởng, Trưởng ngành không sâu, không biết. Cái này Thủ tướng cũng chỉ đạo như thế”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình định hướng đổi mới quy trình lập pháp theo hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ xem xét thông qua trong 1 kỳ họp nhưng chỉ quy định chung theo hướng tại kỳ họp sẽ thảo luận các ý kiến các nhau. “Vấn đề này phải xác định hồ sơ, trình tự thủ tục phải thế nào. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tạo điều kiện xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong năm nay cũng như nhiệm kỳ sau.
Nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn cho kinh tế - xã hội phát triển, Chủ tịch Quốc hội nêu, tới đây Quốc hội sẽ thảo luận Đề án năm nay tăng trưởng trên 8%, tạo tiền đề giai đoạn sau 2026 - 2030 tăng trưởng 2 con số. Có như thế năm 2030 mới đạt mức thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước thu nhập cao.