Sửa Luật Các tổ chức tín dụng để 'đảm bảo an toàn hệ thống'
Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng để củng cố nền tảng cho các tổ chức tín dụng của Việt Nam, đảm bảo an toàn hệ thống.
Theo chương trình Phiên họp thứ 21, sáng 17/3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 02 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
6 nhóm chính sách trọng tâm
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XII thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2011 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 6 chính sách.
Thứ nhất, hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Thứ hai, hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân.
Thứ ba, hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ tư, hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Thứ năm, quy định về xử lý nợ xấu.
Thứ sáu, quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Đồng thời, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, đặc biệt là trong thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban này nhận thấy, đây là dự án Luật có nhiều nội dung liên quan đến phạm vi lĩnh vực phụ trách của Bộ Tài chính nhưng trong Hồ sơ còn thiếu văn bản tham gia ý kiến của Bộ Tài chính. Đồng thời, ý kiến tham gia của Bộ Ngoại giao chưa thể hiện rõ nội dung đánh giá về sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên như quy định.
Đồng quan điểm, tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để tránh khoảng trống trong xử lý nợ xấu. Trong khi đó, 6 chính sách được đề cập trong dự án Luật này cũng đã đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Trên tinh thần đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Mặt khác, nhấn mạnh dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có liên quan trực tiếp tới khoảng 20 dự án luật khác. Bởi vậy, nếu được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm rà soát, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống, chính sách pháp luật.
Trong quá trình sau này, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, ủng hộ việc bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Ngân hàng nhà nước một cách tích cực để tham gia ý kiến vào các nội dung có liên quan.
Xử lý cơ bản được triệt để tình trạng sở hữu chéo
Qua xem xét tờ trình và ý kiến thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý với đề xuất biểu quyết thông qua Nghị quyết để đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh vào 2023, theo thẩm quyền của UBTVQH theo quy định của Luật Ban hành văn bản để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng giữa thực trạng trong nước và nước ngoài để củng cố nền tảng cho các tổ chức tín dụng của Việt Nam, đảm bảo an toàn hệ thống, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế nói chung và những tổ chức tín dụng nói riêng trước các cú sốc từ bên trong, bên ngoài.
Nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội cho biết yêu cầu đặt ra đối với lần sửa đổi lần này phải quy định minh bạch và xử lý cơ bản được triệt để tình trạng sở hữu chéo, sở hữu chéo núp bóng, xử lý được nợ xấu và lãi dự thu được trích lập trên cơ sở các khoản nợ xấu…
Vấn đề nữa cũng được Chủ tịch Quốc hội nêu là việc xử lý nợ xấu và lãi dự thu được trích lập trên cơ sở khoản nợ xấu. Các khoản dự thu này xấu hơn cả nợ xấu, cho vay nhưng liệu có thu về để tính lãi đưa vào thu nhập rồi chia cổ tức hay không, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong lần sửa đổi luật lần này cần quy định rõ nét những nội dung như fintech, ngân hàng số, cũng như vấn đề xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, thua lỗ, việc cho vay tái cấp vốn và cho vay đặc biệt rút kinh nghiệm từ vụ phá sản SVB của Mỹ, từ đó sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng này phải song hành với sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề quản lý Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng này, nhất là trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý tài chính đối với các tổ chức tín dụng cùng với đó là giám sát tài chính. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng kinh nghiệm của Trung Quốc mới đây khi kiện toàn Chính phủ đã thành lập cơ quan giám sát tài chính riêng trực thuộc Trung ương để giám sát toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đây là một kinh nghiệm để nghiên cứu về lâu dài.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Luật này cần phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng để làm sao mà góp phần tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay, tăng cường độ an toàn của từng tổ chức cũng như toàn hệ thống, từ đó gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế nói chung của hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng.
Sau khi thảo luận, 100% các vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp đã biểu quyết tán thành bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6, có hiệu lực từ năm 2024.