Sửa Luật Điện lực phải tạo được hành lang pháp lý phát triển các nguồn điện mới

Đại biểu Lê Quân cho rằng, bài toán đặt ra trong Luật Điện lực là phải xử lý được vấn đề chuyển đổi năng lượng, nhưng chúng ra mới xử lý được việc phát triển một số nguồn năng lượng mới...

Xác định giá điện cần minh bạch

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu tán thành sự cần thiết cần kịp thời sửa đổi Luật Điện lực, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Các vấn đề liên quan tới quy định về chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện; thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi); cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ; quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; phát triển điện gió ngoài khơi... được nhiều đại biểu quan tâm.

Góp ý về chính sách giá điện, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, về nguyên tắc, giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông). Ảnh: QH

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông). Ảnh: QH

Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này, sẽ có tác dụng "đòn bẩy" tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm. Để từ đó giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn tỉnh Tiền Giang) nhìn nhận, Điều 4 của dự thảo Luật đưa ra nhiều khái niệm về giá, tuy nhiên yếu tố hình thành giá lại chưa được đề cập tới, nếu quy định như tại dự thảo sẽ khó trong việc triển khai thực hiện trong thực tiễn. Đại biểu cũng cho rằng, vấn đề xác định giá cần minh bạch; quy định về cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi cần cụ thể...

Đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát điện gió ngoài khơi

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) nhìn nhận, Khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật hiện quy định về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Tuy nhiên, để tăng cường tính khả thi của chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đề nghị thiết kế khoản 9 Điều 5 tương tự như khoản 8 Điều 5 của dự thảo Luật.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên).

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên).

Theo đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi.

Hiện tại, dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ được thực hiện khảo sát, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.

Do điện gió ngoài khơi là ngành mới, việc giao cho các doanh nghiệp nhà nước triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên là bước đi cần thận trọng. Tuy nhiên, cũng cần tính đến thực tế là các doanh nghiệp Nhà nước lớn trong ngành năng lượng của Việt Nam như PVN, EVN đều chưa có kinh nghiệm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi (đặc biệt, EVN đang trong tình trạng thua lỗ).

“Để đảm bảo thành công của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cả về mặt công nghệ, hiệu quả kinh tế, tôi cho rằng dự thảo Luật nên bổ sung quy định về việc cho phép các tập đoàn Nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên”, nữ đại biểu đề nghị.

Việc lựa chọn đối tác có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước tận dụng được nguồn lực, giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như chia sẻ rủi ro nếu có. Mô hình đối tác này cũng giúp giảm thiểu những quan ngại về vấn đề an ninh, do doanh nghiệp Nhà nước vẫn là đối tác nắm quyền kiểm soát đối với dự án.

Cần xử lý vấn đề chuyển đổi năng lượng

Luật Điện lực hiện đang bỏ khoảng trống lớn, không có quy định nào liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi vi phạm liên quan đến điện là góc nhìn của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn thành phố Hà Nội).

Đại biểu dẫn chứng các hành vi như cấp, cắt điện, trì hoãn khắc phục sự cố, không đấu điện đúng quy định... Những hành vi này trong Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm, nhưng trong Luật Điện lực chỉ quy định xử lý vi phạm hành chính mà thiếu quy định xử lý trách nhiệm hình sự.

"Nếu vậy vấn đề ý thức, nhận thức, đạo đức của cán bộ công liên quan đến vấn đề điện lực không được tuân thủ và đáp ứng được nhu cầu của người dân", đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu.

Đại biểu Lê Quân (Đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: Thái An

Đại biểu Lê Quân (Đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: Thái An

Đại biểu Lê Quân (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, chính sách chuyển đổi năng lượng không thể được thông qua trong 1 kỳ họp, cần có sự cam kết, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa. Vì thực tế cho thấy, không thể cứ làm điện sạch thì sẽ chuyển đổi tốt. Quan trọng là vấn đề tiêu thụ năng lượng.

Theo đại biểu Lê Quân, nếu tập trung đầu tư xây dựng quá nhiều nhà máy nhiệt điện, nhiều nhà máy cán thép, luyện kim... thì sử dụng năng lượng nhiều, phải làm nhiều nhà máy điện - nhất là nhà máy điện hóa. Điều này lại đặt ra bài toán về môi trường, trong khi chúng ta hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế sạch. Vì thế, bài toán đặt ra trong luật này là xử lý được vấn đề chuyển đổi năng lượng, nhưng chúng ra mới xử lý được việc phát triển một số nguồn năng lượng mới...

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của tăng trưởng về điện năng.

Theo quy hoạch và dự kiến, đến 2030, cả nước cần đầu tư gấp 2 lần hệ thống điện hiện nay. Hiện, tổng công suất khoảng 80.000 MW, đến 2030 phải đạt tối thiểu 150.524 MW, tức gấp gần 2 lần hiện nay và đến 2050 phải đạt gấp 5 lần hiện nay, tương đương 530.000 MW trên toàn quốc. Với việc phát triển nguồn mạnh như thế, nếu không có cơ chế thì không thể nào thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của tăng trưởng về điện năng. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của tăng trưởng về điện năng. Ảnh: Quốc hội

Để phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050 cần phải chuyển dịch năng lượng, đồng nghĩa phát triển mạnh năng lượng tái tạo, chuyển đổi nguồn điện bù cho điện sử dụng hóa thạch từ than, điện khí. Điều này đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật có liên quan rất thông thoáng, đồng bộ mới có thể đạt mục tiêu đề ra.

Cũng theo Bộ trưởng, theo Quy hoạch điện VIII, chỉ còn hơn 5 năm nữa chúng ta phải đạt công suất gấp 2 lần hiện nay. Trong khi đó, để làm một dự án điện than theo quy hoạch cũ cần tới 5 - 6 năm; điện khí cần 7 - 8 năm; điện hạt nhân nếu được thông qua chủ trương cần tới 10 năm. Nếu luật không được thông qua trong năm nay thì sẽ không có cách nào thực hiện yêu cầu của Quy hoạch điện VIII...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/sua-luat-dien-luc-phai-tao-duoc-hanh-lang-phap-ly-phat-trien-cac-nguon-dien-moi-179713.html