Sửa Luật Phòng, chống mua bán người: Bổ sung hành vi cấm mua bán bào thai
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm: 'Mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai'.
Sáng 13-8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Đây là dự thảo luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ bảy.
Đáng chú ý, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị trường hợp người bị mua bán có sự đồng thuận để người khác mua bán mình thì không coi là nạn nhân của mua bán người.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, theo quy định của dự thảo luật, trường hợp mua bán người dưới 18 tuổi kể cả có sự đồng thuận của nạn nhân thì vẫn coi là mua bán người, do người dưới 18 tuổi còn chưa phát triển đầy đủ về nhận thức nên sẽ được pháp luật bảo vệ cao hơn.
Còn trường hợp mua bán người trên 18 tuổi mà có sự đồng thuận thì luật này không coi là mua bán người, do yếu tố thủ đoạn (dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt) là yếu tố bắt buộc trong hành vi mua bán người. Do có sự thay đổi về khái niệm nạn nhân nên dự thảo luật đã được bổ sung 1 điều quy định chuyển tiếp để xử lý trường hợp này.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định, trẻ em được sinh ra bởi nạn nhân bị mua bán cũng là nạn nhân. Theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, trên thực tế, nhiều trường hợp trẻ em được sinh ra trong thời gian người mẹ bị mua bán. Các trẻ em này không thuộc đối tượng trực tiếp của hành vi mua bán người, trừ trường hợp thỏa thuận mua bán cháu bé từ khi còn trong bào thai.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo vệ quyền trẻ em, dự thảo luật đã có quy định hỗ trợ người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, tâm lý, chi phí đi lại, hỗ trợ pháp luật, phiên dịch.
Đáng chú ý, về hành vi mua bán bào thai, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào khoản 1 Điều 2 của dự thảo luật để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế đang diễn ra tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra và việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người.
Vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến đại biểu, Điều 3 của dự thảo luật được bổ sung 1 khoản (khoản 2) quy định về hành vi bị nghiêm cấm “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.
Góp ý về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ tán thành bổ sung quy định cấm hành vi mua bán bào thai và thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai. Bởi lẽ, về mặt sinh học, bào thai đến một giai đoạn nhất định có thể coi là con người, có khác là môi trường tồn tại là trong bụng mẹ.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vấn đề bào thai khi nào được gọi là người cũng là vấn đề được tranh cãi trên thế giới. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tán thành với tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng lưu ý, cần cấm hành vi mua bán bào thai, song không thể quy định bào thai là người, vì nếu như vậy thì việc nạo, phá thai sẽ được coi là giết người. Do đó, hướng quy định xử lý như báo cáo của Ủy ban Tư pháp là phù hợp...
Sau khi hoàn thiện, dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ tám tới (tháng 10-2024).