Sửa Luật Thủ đô: Cần cơ chế để Thủ đô phát triển vượt bậc
Mới đây, Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Huy động hiệu quả mọi nguồn lực
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố cho biết: Nội dung Dự thảo Luật lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua. Tháng 10/2023, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần thứ nhất; dự kiến tháng 5/2024, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự án Luật.
Theo đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội, tạo cơ chế đặc thù, vượt trội cho Thủ đô chủ động, tự chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc của Thành phố như về tổ chức bộ máy, biên chế, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính,…
Bên cạnh đó, Dự thảo tạo ra cơ chế đặc thù để huy động tối đa nguồn lực để phát triển tất cả các lĩnh vực. Nếu Dự thảo Luật được thông qua, đây sẽ là công cụ hiệu quả để Hà Nội huy động nguồn lực, khai thác triệt để tối đa những ưu thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; giải quyết được các vấn đề bức xúc của Thành phố như vấn đề giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại,…
Tham gia thảo luận, các chuyên gia, nhà khoa học đều bày tỏ quan điểm cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô trước những yêu cầu bức thiết đang đặt ra trong sự phát triển của Thủ đô hiện nay.
Qua 10 năm thực hiện Luật Thủ đô đã cho thấy đạt được những dấu ấn khá toàn diện trong phát huy vai trò vị thế Thủ đô, cả với vùng và cả nước. Tuy nhiên cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nhất là về cơ chế đặc thù, bất cập so với một số luật mới ban hành.
Cơ hội và thách thức
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội cho biết, bản Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã được nghiên cứu bài bản khoa học, tiếp thu có chọn lọc nhiều ý kiến đã đóng góp.
Tuy nhiên, Luật Thủ đô là cơ hội, là thách thức, là lợi thế để Hà Nội phát triển vươn lên tầm cao, vị thế mới với cả nước, với khu vực và cả thế giới nên cần nâng cao tính khoa học và thực tiễn, thể hiện nguyện vọng của nhân dân, trong đó có những người đã, đang làm công tác khoa học kỹ thuật.
Góp ý Dự thảo Luật, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, trong chương I: nên đưa Điều 4 thành Điều 3; rà soát lại Điều 3 giải thích từ ngữ. Cụ thể là về đô thị thông minh, đô thị vệ tinh, đô thị trung tâm và phát triển theo mô hình TOD (phải nêu được đặc thù của Hà Nội, kế thừa đề tài nghiên cứu khoa học của Thành phố). Bổ sung từ ngữ: Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Trong chương II, bổ sung Điều 15 về Thành phố thuộc thành phố Hà Nội như vai trò các đơn vị trực thuộc mô hình mới này (tham khảo Nghị quyết 98/20334/QH15 về chính sách đặc thù TP.HCM).
Cùng với đó, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đánh giá, Dự thảo Luật lần này cụ thể hơn về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, để môi trường thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững Thủ đô, cụ thể hóa mục tiêu Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong nền kinh tế xanh, kinh tế số “có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”, cần bổ sung thêm một số vấn đề theo tinh thần có các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong bảo vệ môi trường,…
Tập trung giải quyết vấn đề giao thông
PGS.TS Doãn Minh Tâm, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải cho biết, Luật Thủ đô là bộ luật tổng hợp của tất cả các quy định có tính đặc thù áp dụng dành riêng cho Thủ đô Hà Nội mà các Luật khác không đề cập. Do đó, với tầm quan trọng và vai trò, ý nghĩa của Thủ đô, Luật Thủ đô là chỗ dựa pháp lý vững chắc để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển vượt bậc trong thời gian tới, xứng đáng là Thủ đô của cả nước.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Phiên bản tháng 7/2023 (lần 2) tuy đã thể hiện và luật hóa được 9 chính sách mới của Hà Nội nhưng nội dung các quy định mới chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi các quy định pháp luật để giải quyết các tồn tại. Trong đó, vấn đề giao thông là một trong những vấn đề phức tạp và cần phải tập trung giải quyết.
Đồng quan điểm, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, một trong những nội dung quan trọng của Luật Thủ đô là xin phép được thực hiện cơ chế để triển khai phát triển Hệ thống đường sắt đô thị sức tải lớn tốc độ cao (MRT) theo mô hình TOD gắn với phát triển các khu đô thị hỗn hợp tại các nhà ga của mạng lưới MRT.
Mô hình này không chỉ xây dựng hệ thống MRT mà còn là cơ hội để Thành phố cải tạo, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững, thân thiện môi trường, giảm phát thải các-bon nhờ giảm tỷ lệ người sử dụng phương tiện cá nhân, tăng tỷ lệ người sử dụng phương tiện giao thông công cộng; nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố Hà Nội ngang tầm các đô thị tiên tiến hiện đại của khu vực châu Á.
“Đây là mô hình phổ biến trên thế giới, tuy nhiên để thực hiện được mô hình trên, Hà Nội phải được thực hiện cơ chế mới hoàn toàn về quản lý đầu tư xây dựng dự án kết cấu hạ tầng, theo mô hình kiểm soát đầu ra thay vì mô hình kiểm soát đầu vào, quy trình và thủ tục (khoảng 160 bước) theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai”, ông Đặng Huy Đông nêu quan điểm.
Từ nay đến khi Quốc hội thông qua Dự thảo Luật, Thành phố mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống.