Sửa Luật Thủ đô để Hà Nội phát triển

Hà Nội kỳ vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo ra những cơ chế vượt trội, thuận lợi để thủ đô phát triển bền vững

Ngày 27-4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII đã bế mạc Hội nghị lần thứ 12. Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về: Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII; điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 Đảng bộ thành phố.

Cần những cơ chế vượt trội

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định các nội dung đưa ra họp bàn tại hội nghị lần này mang tính định hướng chiến lược, căn cơ, lâu dài cho sự phát triển của thủ đô. Những nội dung trình hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của thủ đô không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tới.

Tại hội nghị, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được các đại biểu dành nhiều thời gian để bàn, góp ý. Đáng chú ý, về mô hình thành phố thuộc thủ đô, theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị làm rõ mô hình, tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố thuộc thủ đô; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của HĐND, UBND thành phố trực thuộc thủ đô có nội dung gì đặc thù theo chức năng của từng đô thị cần được phân quyền cao hơn so với các đơn vị quận, huyện. Đồng thời giải trình sự cần thiết, vấn đề đặc thù, vượt trội phải quy định trong Luật Thủ đô.

Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cũng xin ý kiến đối với quy định về dự án, công trình trọng điểm của thành phố; nhiệm vụ khoa học - công nghệ trọng điểm của thành phố; quy định cụ thể các biện pháp về xây dựng lại chung cư cũ, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; quy định rõ ràng các vấn đề về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) - cần mô hình đầu tư mới như thế nào, có sử dụng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) không và việc quy định cụ thể trong trường hợp tiếp tục đưa vào dự thảo luật; vấn đề thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cao về sự cần thiết phải xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế vượt trội để tạo hành lang pháp lý cho thủ đô phát triển xứng đáng với vị trí, vai trò đã được xác định cụ thể trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Lộ trình dự kiến báo cáo xin ý kiến Quốc hội để trình dự thảo luật trong 2 kỳ họp là phù hợp nhưng đòi hỏi các công việc phải thực hiện rất khẩn trương, bảo đảm chất lượng.

Ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, cho rằng khó khăn rất lớn trong phát triển thủ đô hiện nay chính là nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng; nếu không có cơ chế vượt trội để thu hút các nguồn lực xã hội thì rất khó giải quyết. Do đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhất định phải đưa vào các quy định để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế nhằm thu hút mạnh các nguồn lực xã hội, trong đó có việc tiếp tục triển khai các hình thức đầu tư, như BT, PPP (đối tác công - tư)... Ngoài ra, cần đưa vào các quy định cụ thể về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bởi đây chính là cơ sở để tạo ra các đô thị bền vững, phát triển các đô thị vệ tinh...

Hà Nội sẽ lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm để phát triển. Ảnh: HỮU HƯNG

Hà Nội sẽ lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm để phát triển. Ảnh: HỮU HƯNG

Hoàn thiện dự thảo để tăng sức thuyết phục

Tại phiên bế mạc hội nghị, ông Lê Hồng Sơn cho biết các đại biểu cơ bản đánh giá cao việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời tập trung vào 12 nội dung Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xin ý kiến. Đặc biệt, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ về việc hoàn thiện bộ máy chính quyền, khai thác công - tư, phân quyền trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục.

Có 11 nhóm ý kiến, trong đó nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về chính sách cải cách tiền lương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cả lĩnh vực công và tư; phân cấp, phân quyền cao hơn đối với cấp huyện… Nhiều đại biểu nêu các ý kiến đóng góp về lĩnh vực quy hoạch nông nghiệp, đất rừng, bố trí nhà đất tái định cư ở nơi khác cho người dân bị thu hồi đất.

Về báo cáo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Đinh Tiến Dũng cho hay hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến tham gia, đóng góp rất sâu sắc, có chất lượng tập trung vào 12 vấn đề; nhiều ý kiến cũng đã tham gia đóng góp, bổ sung các chính sách, giải pháp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tổng hợp, tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị để tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), lưu ý một số vấn đề như nguyên tắc tiếp thu tối đa những nội dung có sự thống nhất cao; tiếp tục rà soát, tiếp thu, thể chế hóa tối đa những điểm đột phá, đặc thù tại các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội liên quan đến thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và các nghị quyết của trung ương, của Bộ Chính trị trong thời gian qua về phát triển đô thị Việt Nam, về đất đai, về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển vùng đồng bằng sông Hồng…

Trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2023

Chính phủ đã tổ chức phiên họp để xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), cơ bản thông qua 9 chính sách như trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình. Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 vào tháng 5-2023.

BẠCH HUY THANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/sua-luat-thu-do-de-ha-noi-phat-trien-20230427210057596.htm